,

Thương mại - Thị trường - Quốc tế

Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024: Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn

Quyền lợi của Người tiêu dùng đã được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, được thể hiện bằng việc: Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới số 19/2023/QH15 ngày 20/6/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 với 7 chương, 80 Điều. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã quy định rõ hơn về Quyền của người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, bảo vệ thông tin; Quyền và lợi ích hợp pháp khác thi tham gia giao dịch, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp.

Theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng thì người tiêu dùng có 11 quyền cơ bản: Quyền được thỏa mãn những nhu cầu cơ bản; quyền được an toàn; quyền được thông tin; quyền được lựa chọn; quyền được lắng nghe; quyền được khiếu nại và bồi thường; quyền được giáo dục, đào tạo về tiêu dùng; quyền được có môi trường sống lành mạnh, bền vững.... Cùng với đó là 6 trách nhiệm, trong đó Người tiêu dùng phải biết phê bình; biết hành động; quan tâm đến xã hội; hiểu biết về tiêu dùng; ý thức cộng đồng cao. Do vậy, khi lựa chọn sản phẩm, Người tiêu dùng quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm.

Năm 2024, chủ đề ngày Quyền của Người tiêu dùng là  “Thông tin minh bạch - tiêu dùng an toàn”, kinh doanh lành mạnh chính là phát triển kinh tế bền vững. Vấn đề này đã và đang trở thành mối quan tâm hàng đầu không chỉ của Việt Nam mà của tất cả quốc gia trên thế giới. Trong đó, Doanh nghiệp đóng vai trò tích cực trong việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Một doanh nghiệp tăng trưởng đi vào chiều sâu sẽ đóng góp vào tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Thông qua các hoạt động phát triển bền vững sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong việc nâng cao uy tín, năng lực cạnh tranh, thu hút nguồn nhân lực và các nhà đầu tư. Nói cách khác, muốn kinh doanh lành mạnh, doanh nghiệp phải đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, sự tiện dụng cho Người tiêu dùng và giá thành hợp lý cạnh tranh. Từ đó sản phẩm sẽ vào được các hệ thống siêu thị, đại lý bán sỉ, bán lẻ và xuất khẩu, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

(Các đại biểu tham dự buổi phát động hưởng ứng Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam 

trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2024)

Chủ đề năm 2024 nhằm nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của thông tin đối với sự an toàn của người tiêu dùng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều hành vi lừa đảo, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Phía doanh nghiệp cũng cần đề cao trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để người tiêu dùng có thể đưa ra các quyết định đúng và an toàn.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thông qua vào tháng 6 năm 2023 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024. Với 7 Chương, 80 Điều, Luật năm 2023 đã sửa đổi toàn diện Luật năm 2010; bổ sung nhiều quy định để bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh, trong đó, nhiều quy định mang tính dấu ấn, lần đầu xuất hiện trong hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trên cơ sở nền tảng pháp luật vững chắc, trong những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng luôn được cấp ủy, chính quyền, các cơ quan đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang quan tâm, triển khai tích cực. Tỉnh đã chủ động triển khai các Đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, thực hiện kế hoạch đấu tranh, kiểm tra liên ngành theo từng chuyên đề, tuyến, lĩnh vực cụ thể để chủ động phòng ngừa, tấn công, răn đe tội phạm..., không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn toàn tỉnh.

(Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu tham quan Gian hàng trưng bày và bán sản phẩm hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang)

Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, đề nghị các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tích chung tay thực hiện tốt các nội dung sau:

- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức của người dân và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước về ý nghĩa của “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15 - 3”,

- Phối hợp làm tốt công tác quản lý, giám sát việc tuân thủ pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân kinh doanh chủ động tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

- Cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh cần nhận thức được rằng việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng không chỉ là nghĩa vụ mà cũng là quyền lợi của chính mình và là trách nhiệm với lợi ích chung của toàn xã hội.

- Mỗi Người tiêu dùng chúng ta hãy nhận thức đúng đắn và đầy đủ về các quyền của mình mà pháp luật đã ghi nhận; các cơ chế và biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình khi giao dịch với các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh có hành vi vi phạm để hướng tới trở thành “Người tiêu dùng thông thái”.

Với tinh thần "Tất cả vì người tiêu dùng", chúng ta hãy cùng nhau nỗ lực xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh, để từ đó, góp phần giữ ổn định, tạo động lực đổi mới, sáng tạo, đưa tỉnh Tuyên Quang ngày một phát triển theo hướng văn minh, hiện đại.

Sở Công Thương

Tin cùng chuyên mục