,

Năng lượng - Môi trường

Tăng cường công tác quản lý về bảo quản vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh

Những năm qua, công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) trên địa bàn tỉnh cơ bản thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, góp phần đảm bảo an toàn, phát huy hiệu quả của hoạt động vật liệu nổ công nghiệp vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra việc nổ mìn khai thác khoáng sản ảnh hưởng xấu đến môi trường, công trình, sức khỏe của người dân.

Để tăng cường công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn, nhất là trong công tác bảo quản VLNCN để tránh tình trạng xảy ra thất thoát VLNCN ra bên ngoài, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, mất an toàn xã hội, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong mọi trường hợp.  Sở Công Thương đã thường xuyên phối hợp với phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, phòng cảnh sát Quản lý hành chính và Trật tự xã hội thường xuyên rà soát các kho bảo quản VLNCN của các đơn vị khai thác khoáng sản có sử dụng VLNCN thực hiện nghiêm các quy định trong quá trình bảo quản VLNCN, đặc biệt là phải tuân thủ theo đúng quy định tại Quy chuẩn Việt Nam (QCVN 01:2019/BCT) trong hoạt động bảo quản VLNCN; theo đó các kho bảo quản VLNCN chưa đáp ứng các yêu cầu tại QCVN 01:2019 thì phải xây mới hoặc cải tạo lại theo đúng yêu cầu của quy chuẩn đặt ra.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 40 kho bảo quản VLNCN của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, đến nay đã có gần 40 kho (đạt trên 90%) yêu cầu theo QCVN 01:2019/BCT, các kho còn lại đang tiếp tục thực hiện.

Nhằm đảm bảo an toàn trong quản lý, bảo quản VLNCN theo quy định và giảm thiểu chi phí xử lý VLNCN quá hạn sử dụng; Sở Công Thương đã yêu cầu các đơn vị hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Thực hiện quy trình sắp xếp, tiêu thụ VLNCN theo đúng quy định tại Phụ lục 10 ban hành kèm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số 01:2019/BCT về an toàn trong sản xuất, thử nghiệm, nghiệm thu, bảo quản, vận chuyển, sử dụng, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp và bảo quản tiền chất thuốc nổ. Trong đó, với phương châm loại VLNCN nào nhập trước, xuất trước và nhập sau xuất sau đảm bảo VLNCN luôn còn trong thời hạn sử dụng của nhà sản xuất.

2. Định kỳ mỗi tháng một lần lãnh đạo đơn vị phải cử người có trách nhiệm kiểm tra việc ghi chép số xuất, nhập VLNCN tại kho. Kết quả kiểm tra phải ghi vào sổ thống kê VLNCN. Lập sổ thống kê xuất, nhập VLNCN (theo quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số 01:2019/BCT). Xây dựng và niêm yết quy trình sắp xếp, bảo quản, xuất nhập VLNCN trong kho, phân loại VLNCN không đảm bảo chất lượng theo quy định.

3. Thực hiện nghiêm túc việc lập, nổ mìn theo đúng hộ chiếu nổ mìn được phê duyệt (trong đó lưu ý ghi đầy đủ thông tin cụ thể thời gian, vị trí địa điểm, thông số kỹ thuật, người thực hiện… theo đúng mẫu quy định). Triển khai thực hiện Kế hoạch ứng cứu khẩn cấp đã được xây dựng và thực hiện đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn hàng năm hoặc khi có thay đổi liên quan đến các điều kiện về an toàn./.

Sở Công Thương

Tin cùng chuyên mục