,

Công nghiệp - Khuyến công

Công nghiệp Tuyên Quang – 6 tháng đầu năm vượt thách thức, đạt tăng trưởng khá

Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng dưới sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và sự điều hành quyết liệt, tập trung, linh hoạt của UBND tỉnh, các ngành chức năng đã khơi dậy được ý chí vượt khó trong nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đã kiểm soát, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để lây lan, tạo niềm tin cho người dân yên tâm lao động sản xuất...

Kết quả ấn tượng

Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh trong 6 tháng đầu năm đạt 6,19%, đây là mức tăng trưởng khá và thực sự ấn tượng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn quốc và thế giới. Tỉnh đã vào cuộc quyết liệt truy vết, dập dịch, không để dịch lây lan, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Dấu ấn quan trọng trong phát triển kinh tế là các chỉ tiêu sản xuất nông, lâm nghiệp, dịch vụ, công nghiệp đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đặc biệt, sản xuất vụ xuân năm 2021 được đánh giá là thành công trên cả 3 mặt trận sản lượng, năng suất và diện tích. Toàn tỉnh gieo cấy trên 19 nghìn ha lúa vụ xuân, đạt trên 102% kế hoạch; năng suất lúa bình quân đạt trên 60 tạ/ha, sản lượng đạt trên 115 nghìn tấn. Các loại cây trồng khác như ngô, lạc, chè và cây ăn quả đều cho năng suất cao, giá cả tương đối ổn định, tạo sự phấn khởi trong nhân dân. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh hăng hái tham gia Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ; các hoạt động chế biến nông lâm sản tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh mặc dù thị trường có thời điểm gặp không ít khó khăn. Do đó, giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đạt trên 4.100 tỷ đồng. Nông nghiệp phát triển ổn định tạo động lực, là trụ đỡ cho các lĩnh vực kinh tế khác phát triển, nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân.

Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, ổn định việc làm cho trên 800 lao động.

Thị trường sản xuất hàng hóa, nhất là tiêu thụ sản phẩm bị ảnh hưởng nặng nề do tác động của dịch bệnh Covid-19 nhưng tỉnh đã vào cuộc nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chỉ đạo bố trí lệch ca sản xuất phù hợp với yêu cầu chống dịch. Các doanh nghiệp đã chủ động, sáng tạo trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận thị trường mới và khai thác thị trường nội địa, do đó các sản phẩm chủ lực của tỉnh như xi măng, gỗ tinh chế, bột giấy và giấy, hàng dệt may… không bị tồn kho, xuất khẩu ra thị trường trong và ngoài nước, bảo đảm tăng doanh thu, ổn định việc làm cho người lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 8.354 tỷ đồng, bằng 53% kế hoạch năm, tăng trên 30% so với cùng kỳ. Tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án sản xuất công nghiệp mới như Nhà máy lắp ráp điện tử, da giày, các nhà máy thủy điện và một số dự án công nghiệp trọng điểm khác. Có thể nói, trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, giá trị sản xuất công nghiệp đạt được thực sự là sự bứt phá tương đối ngoạn mục, tạo tiền đề quan trọng để tăng thu ngân sách địa phương khi các ngành dịch vụ, du lịch bị  ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19.

Trong bối cảnh chung của cả nước, dịch bệnh diễn biến hết sức nhưng sự chỉ đạo nhất quán của Chính phủ và của tỉnh, hoạt động thương mại và dịch vụ vẫn có bước phát triển, hàng hóa được lưu thông, nguồn cung đáp ứng nhu cầu của nhân dân, không có tình trạng khan hiếm hay đầu cơ tích trữ hàng hóa. Điều này khẳng định, do làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng và kiểm soát tốt dịch bệnh, người dân đã có cái nhìn tỉnh táo, bình tĩnh trước đại dịch, không mua hàng tích trữ, nhất là các mặt hàng thiết yếu làm cho thị trường bị biến động. Trong 6 tháng đầu năm, nguồn hàng duy nhất khan hiếm và tăng giá đột biến là thép xây dựng, nguyên nhân là do nguồn cung ứng nguyên liệu sản xuất thép từ nhiều nước bị ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, ngay sau đó, Chính phủ và tỉnh đã vào cuộc, khơi thông nguồn cung ứng nguyên liệu, bình ổn giá thép, bảo đảm nhu cầu của thị trường, đẩy mạnh hoạt động xây dựng, giải ngân vốn đầu tư công. Hết quý II-2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội đạt trên 11.478 tỷ đồng, đạt 42,5% kế hoạch, tăng 10,3%; giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 55.5 triệu USD, đạt 40,8% kế hoạch, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Những con số này khẳng định sự tăng trưởng của thị trường hàng hóa nhờ thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, triển khai các dự án, công trình và nguồn vốn hiệu quả, góp phần tạo việc làm, ổn định đời sống cho người dân. Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.999 doanh nghiệp hoạt động theo luật; từ đầu năm đến nay, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 4 dự án với số vốn đăng ký gần 38 tỷ đồng. Các cơ quan chức năng của tỉnh đã làm tốt công tác giới thiệu, tuyển dụng lao động đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp; bảo đảm nguồn vốn tín dụng cho các doanh nghiệp, người dân xây dựng các mô hình kinh tế, tạo việc làm cho người lao động. Toàn tỉnh trong 6 tháng qua đã tạo việc làm mới cho 13.978 lao động, đạt 66,6% kế hoạch năm, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm tạo đà để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu của năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Mệnh lệnh từ mục tiêu kép

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đặc biệt là ở thành phố Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế của cả nước, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh là mệnh lệnh của Chính phủ và của tỉnh, do đó đòi hỏi các ngành chức năng, các huyện thành phố triển khai các biện pháp đổi mới sáng tạo để khắc phục những tác động xấu của đại dịch, hoàn thành tốt các mục tiêu năm 2021 đã đề ra.

Trong 6 tháng đầu năm, BCH Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tập trung vào các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm. Đó là những lĩnh vực mang tính dài hơi, cho cả nhiệm kỳ và để thực hiện tốt mục tiêu đó thì thời gian còn lại của năm 2021 phải hoàn thành tốt các chỉ tiêu đã đề ra để làm “bàn đạp” cho những năm tiếp theo. Theo đó, sản xuất nông lâm nghiệp tiếp tục được ưu tiên, tập trung sản xuất vụ mùa đưa các giống lúa chất lượng cao, đưa các giống ngô lai có tiềm năng, năng suất cao vào sản xuất đại trà như giống lúa KM18, Thiên Ưu 8, TBR225, TBR279, Hà Phát 3, VNR20 và giống chất lượng HT1, Đài Thơm 8, Bắc Hương 9; giống ngô lai LVN99, CP-3Q, Bioseed 9698, NK4300… Đồng thời, khai thác tiềm năng lợi thế đất đai, hoàn thành trồng mới trên 10 nghìn ha rừng tập trung; đẩy mạnh cấp chứng chỉ rừng FSC, bảo đảm nâng cao giá trị gia tăng cho người trồng rừng.

Những tháng cuối năm được coi là thời điểm “vàng” để phát triển các hoạt động du lịch, dịch vụ. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đang hoàn thiện các hạng mục xây dựng Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Bảo tàng Tân Trào và Phòng chiếu phim, Quảng trường Tân Trào. Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để Tập đoàn VinGroup hoàn thiện xây dựng Khu vui chơi, giải trí và nghỉ dưỡng công cộng tại Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm; kết nối giao thông Na Hang - Ba Bể (Bắc Kạn) để Tập đoàn SunGroup đầu tư phát triển du lịch lòng hồ sinh thái Na Hang, Khu lâm viên Phiêng Bung… bảo đảm đến năm 2025 phấn đấu đón 3 triệu khách du lu lịch đến Tuyên Quang tham quan, nghỉ dưỡng.

Những tháng cuối năm 2021, ngành Công thương tỉnh tham mưu với tỉnh đẩy mạnh tiến độ giải quyết thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án về giấy, bột giấy, chế biến gỗ rừng trồng; đưa vào sử dụng các nhà máy thủy điện mới, hình thành các cụm công nghiệp mới tại Sơn Dương, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục triển khai linh hoạt, hiệu quả các giải pháp thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng, ổn định đời sống của nhân dân, không rơi vào tình trạng khủng hoảng do tác động của đại dịch. Đây là tiền đề để tỉnh ta thực hiện tốt các mục tiêu của năm 2021 và cả nhiệm kỳ, đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong các tỉnh miền núi phía Bắc.

Phòng Quản lý Công nghiệp Kỹ thuật An toàn

Tin cùng chuyên mục