,

Công nghiệp - Khuyến công

Khai thác tiềm năng, tập trung phát triển công nghiệp

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định, khai thác tiềm năng, nguồn lực, mở rộng liên kết để tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, bằng nhiều các giải pháp đồng bộ, cụ thể, sản xuất công nghiệp tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 12,1%/năm.

Đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ được xác định là một trong 3 khâu đột phá. Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2020, ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 40% cơ cấu kinh tế của tỉnh.

“Bà đỡ” sản xuất nông nghiệp 

Công nghiệp chế biến nông, lâm sản không chỉ đóng góp phần lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp chung mà được coi là “bà đỡ” cho nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền nông nghiệp, có tầm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của đại bộ phận người dân.

Thời gian qua, tỉnh ta đã có nhiều chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, phát triển các sản phẩm có nguồn nguyên liệu ổn định và là thế mạnh của tỉnh như chế biến gỗ rừng trồng, chè, mía và một số cây trồng khác. Đến thời điểm này, tỉnh ta đã thu hút được khoảng 50 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Tập đoàn DABACO, Công ty cổ phần Woodsland, Tập đoàn Geleximco.  Trong đó đã hoàn thành đi vào hoạt động một số dự án lớn gồm Nhà máy chế biến gỗ tại Cụm công nghiệp Thắng Quân của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang; Nhà máy sản xuất viên gỗ nén tại Hoàng Khai (Yên Sơn) của Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Võ Thuận Phát; Nhà máy Chế biến thức ăn gia súc tại Cụm công nghiệp Phúc Ứng của Công ty TNHH Trường Thọ; Nhà máy chế biến các sản phẩm chè Kia Tăng (Na Hang)...

Sản xuất gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang. Ảnh: Quốc Việt

Chế biến gỗ rừng trồng đang có 5 nhà máy hoạt động, công suất chế biến từ 150 - 200 m3 nguyên liệu/năm, ngoài ra còn khoảng 300 cơ sở chế biến quy mô vừa và nhỏ. Sản lượng gỗ rừng trồng khai thác hàng năm đạt khoảng 840 nghìn m3  đã được thu mua, chế biến ngay tại tỉnh, bảo đảm ổn định đầu ra cho sản phẩm, giúp người dân yên tâm sản xuất.

Nhà máy chế biến gỗ Yên Sơn 1, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang thuộc Cụm công nghiệp Thắng Quân (Yên Sơn) với 7 xưởng sản xuất đang hoạt động sản xuất sản phẩm nội, ngoại thất xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc sản xuất cho biết, đảm bảo nguồn hàng xuất khẩu, bình quân mỗi tháng nhà máy thu mua, chế biến, tiêu thụ từ 150.000 - 170.000 m3 gỗ nguyên liệu. Ngoài nhà máy chế biến gỗ Yên Sơn 1, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang còn 3 nhà máy khác đang hoạt động hiệu quả, ước tính mỗi năm doanh nghiệp tham gia chế biến khoảng 500 - 600 nghìn m3  gỗ nguyên liệu.

Theo ông Hà Đăng Chỉnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, Tuyên Quang là thủ phủ gỗ rừng trồng của cả nước, người trồng rừng đã thực hiện theo tiêu chuẩn FSC, đây là lợi thế không phải nơi nào cũng có được. Đó là yếu tố quan trọng để trong thời gian tới công ty tiếp tục triển khai xây dựng các nhà máy mới trên diện tích 30 ha, bảo đảm không ngừng tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Chế biến chè được coi là ngành truyền thống vẫn khẳng định chỗ đứng, với 20 cơ sở chế biến theo hướng công nghiệp, trong đó có 3 công ty lớn đang hoạt động, bao gồm: Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm, Công ty cổ phần Chè Sông Lô và Công ty cổ phần Chè Tân Trào. Tổng công suất chế biến của các cơ sở đạt trên 80.000 tấn chè búp tươi/năm, trung bình mỗi năm các công ty chè đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh 180 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn có gần 3.000 cơ sở chế biến thủ công nghiệp với tổng doanh thu đạt khoảng gần 300 tỷ đồng mỗi năm. 

Khuyến khích sản xuất vật liệu xây dựng

Cùng với đẩy mạnh công nghiệp chế biến lâm sản, tỉnh khuyến khích phát triển sản xuất vật liệu xây dựng, ưu tiên phát triển nhóm vật liệu trên địa bàn tỉnh có thế mạnh như xi măng, cát, sỏi, đá xây dựng, vật liệu xây dựng (nung và không nung) và các loại vật liệu mới từ nguyên liệu địa phương, các loại vật liệu phục vụ phát triển hạ tầng xã hội và các khu đô thị mới; tiết kiệm tài nguyên khoáng sản bằng giải pháp đầu tư công nghệ tiên tiến trong khai thác chế biến; khai thác sâu các mỏ lộ thiên, ưu tiên tạo ra các loại sản phẩm vật liệu có giá trị cao cùng một nguồn khoáng sản. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, khuyến khích, thu hút mọi nguồn lực vào phát triển sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng; tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đầu tư, cấp phép hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng; khai thác tối đa công suất các cơ sở đã đầu tư. Báo cáo của Sở Xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng có bước phát triển mạnh và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Công nhân Công ty cổ phần Tổng Công ty May Tuyên Quang LGG sản xuất hàng may mặc xuất khẩu.   Ảnh: Quốc Việt

Hiện toàn tỉnh có 11 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng; 69 mỏ khai thác đá, khai thác cát. Tốc độ tăng trưởng của ngành đạt trên 20%/năm, chiếm tỷ trọng 25% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Những sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu gồm xi măng, gạch tuynel, gạch không nung, bột đá siêu mịn.  Ông Lê Danh Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Tuyên Quang cho biết, công suất của Nhà máy Xi măng Tân Quang đã đạt 910.000 tấn xi măng/năm. Sản phẩm xi măng mang nhãn hiệu “Tân Quang VINACOMIN” không chỉ được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, còn vươn xa đến nhiều tỉnh, thành khu vực miền Bắc. Năm 2017, sản phẩm xi măng Tân Quang được Thủ tướng Chính phủ tặng giải Bạc chất lượng Quốc gia.

Tỉnh ta hiện có 200 điểm mỏ với 31 loại khoáng sản, trong đó đứng hàng đầu về trữ lượng và chất lượng là quặng sắt, barit, cao lanh, đất sét, cát, sỏi... Hiện nay đã có 69 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư, đổi mới dây chuyền sản xuất, chế biến khoáng sản theo hướng tinh luyện. Điển hình như Công ty cổ phần Kim loại màu Tuyên Quang; Công ty cổ phần Tây Đô. Một số sản phẩm khoáng sản qua chế biến như: Barit, Angtimon đã được xuất khẩu vào thị trường châu Á.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng và một số lĩnh vực khai khoáng có thế mạnh đã tạo ra giá trị riêng có của công nghiệp Tuyên Quang, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng chế biến gỗ rừng trồng, đưa Tuyên Quang trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng của cả nước.

https://baotuyenquang.com.vn/

Tin cùng chuyên mục