,

Thời sự - Chính trị

KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY QUỐC KHÁNH NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM (02/9/1945-02/9/2021): SỞ CÔNG THƯƠNG TUYÊN QUANG TỔ CHỨC HÀNH TRÌNH VỀ NGUỒN

Ngày 01/9/2021, nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, Sở Công Thương đã tổ chức hành trình về nguồn tại Khu di tích lịch sử quốc gia Tân Trào và khu di tích lịch sử Bộ Công Thương, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đồng chí Hoàng Anh Cương, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Công Thương làm Trưởng đoàn.

Sở Công Thương  dâng hương tại Lán Nà Nưa

Tại Lán Nà Nưa, sau khi dâng hương, Đoàn cán bộ của Sở Công Thương đã cùng nghe lại những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước và càng tự hào khi mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này là nơi khởi nguồn cho thành công của cách mạng tháng Tám, lập nên Nước CHXHCN Việt Nam.

Ngày 21-5-1945, sau 18 ngày đêm xuyên rừng, bất đầu từ Khuổi Nậm- Pác Bó (Cao Bằng), Bác Hồ về tới Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945. Điểm dừng chân đầu tiên của Bác khi tới Tân Trào là đình Hồng Thái. Sau khi nắm sơ bộ tình hình, địa thế dự kiến nơi đặt “đại bản doanh” của Trung ương, khoảng 16 giờ ngày 21-5-1945, Bác Hồ và các cán bộ cùng đi rời đình Hồng Thái vượt sông Phó Đáy vào thôn Tân Lập, xã Tân Trào.

Tại Lán Nà Nưa, Bác Hồ đã chỉ thị: Vùng giải phóng đã bao gồm 6 tỉnh (Cao Bằng- Bắc Kạn- Lạng Sơn- Hà Giang- Tuyên Quang- Thái Nguyên) địa thế nối liền với nhau nên thành lập khu căn cứ, lấy tên là Khu giải phóng; các lực lượng vũ trang sau khi thống nhất lại, lấy tên chung là Quân giải phóng; triệu tập Hội nghị cán bộ toàn khu để thống nhất lãnh đạo và triển khai công tác. Chấp hành chỉ thị của Bác, ngày 4-6-1945, Tổng bộ Việt Minh triệu tập Hội nghị cán bộ toàn khu. Hội nghị đã quyết định thành lập Khu giải phóng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Quân giải phóng; đề ra 10 chính sách lớn của Việt Minh...Tân Trào được chọn làm “Thủ đô của Khu giải phóng”, trở thành trái tim của cách mạng Việt Nam. Từ căn lán nhỏ Nà Nưa - từ Tân Trào mọi chỉ thị, nghị quyết về phương châm, đường lối, sách lược của Đảng nhằm đẩy mạnh cuộc Tổng khởi nghĩa được truyền đi khắp cả nước.

Sở Công Thương dâng hương tại Đình Tân Trào, khu di tích lịch sử Quốc gia Tân Trào

Sau khi dâng hương tại Lán Nà Nưa, Đoàn tiến hành dâng hương tại Đình Tân Trào, nơi tổ chức họp Quốc dân Đại hội (ngày 16 và 17/8/1945) - đại hội được ví như Hội nghị Diên Hồng thứ hai trong lịch sử nước ta và khu tưởng niệm các vị tiền bối.

Sáng kiến triệu tập Quốc dân Đại hội của đồng chí Hồ Chí Minh đã hình thành từ Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (tháng 5/1941), hội nghị phát động phong trào giải phóng dân tộc, thành lập Mặt trận Việt Minh để đánh đuổi Nhật - Pháp "lập lên một chính phủ cách mạng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo tinh thần dân chủ, Chính phủ đó do Quốc dân đại hội cử lên".

Tháng 10/1944 trong thư gửi Quốc dân đồng bào, cùng dự đoán thiên tài về "cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ trong một năm hoặc một năm rưỡi nữa". Bác Hồ đã nhấn mạnh yêu cầu cấp bách phải triệu tập Đại hội Đại biểu Quốc dân để thành lập "Một cái cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể Quốc dân ta; cơ cấu tổ chức đó " phải do một cuộc toàn quốc đại biểu đại hội gồm tất cả các Đảng phái cách mệnh và đoàn thể ái quốc bầu cử ra ", "một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các nước hữu bang" và từ đó, Quốc dân Đại hội được tiến hành.

Quốc dân Đại hội tại đình Tân Trào có hơn 60 vị đại biểu ở khắp nơi đại diện cho ba miền Bắc-Trung-Nam, các ngành, các giới, các đảng phái chính trị,  một số kiều bào về dự và nhận lệnh tổng khởi nghĩa. Chiều ngày 16/8/1945, trước khi Quốc dân Đại hội được khai mạc là lễ xuất quân của quân giải phóng Việt Nam, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy tiến sang giải phóng Thái Nguyên và tiến về Hà Nội. Các vị Đại biểu về dự Quốc dân và nhân dân địa phương đã ra cây đa đầu làng Tân Lập để tiễn đưa đoàn quân. Đồng chí Trần Huy Liệu thay mặt Đại biểu quốc dân nói lời cổ vũ động viên bộ đội quyết chiến, quyết thắng.

Sau lễ xuất quân Nam tiến, Quốc dân Đại hội được khai mạc ở đình Tân Trào. Chủ trì Đại hội là đồng chí Trường Chinh, trong đại hội Bác được bầu vào đoàn chủ tịch với tên kính yêu Hồ Chí Minh, tuy còn yếu mệt nhưng Bác đã đóng góp ý kiến cho Đại hội góp phần đưa Đại hội đến thành công tốt đẹp. Tại Đại hội các vị đại biểu được nghe các bản báo cáo như: báo cáo của đồng chí Trường Chinh phân tích tình hình thế giới, trong nước làm rõ quân Đồng Minh đang thắng lớn trên các mặt trận và ngày thất bại của phát xít Đức - ý - Nhật sắp đến. Nhật đầu hàng quân Đồng Minh, thời cơ khởi nghĩa cả nước đã điểm, bản báo cáo nêu rõ yêu cầu cấp bách cử ra Uỷ ban dân tộc giải phóng, để sau khi giành được chính quyền sẽ trở thành Chính phủ cách mạng lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Báo cáo cũng nêu lên mười điều cần thực hiện để giành chính quyền, đảm bảo độc lập tự do cho đất nước, lợi ích của các tầng lớp nhân dân; Đồng chí Hoàng Quốc Việt báo cáo về phong trào công nhân; đồng chí Trần Đức Thịnh báo cáo về phong trào nông dân; đồng chí Nguyễn Đình Thi báo cáo về văn hoá và trí thức; đồng chí Hoàng Đạo Thuý báo cáo về phong trào hướng đạo; đồng chí Vũ Oanh thay mặt cho đoàn báo cáo phong trào cách mạng sôi nổi tại Hà Nội. Các bản báo các  được Bác Hồ cùng các đại biểu rất hoan nghênh. Sau đó các đại biểu Bắc - Trung - Nam lần lượt phát biểu ý kiến đều đồng tình với chủ trương khởi nghĩa trong cả nước để giành chính quyền.

 Đại hội đã sôi nổi thảo luận một số vấn đề về thái độ của nhân dân ta khi quân Đồng Minh vào giải giáp quân đội phát xít Nhật. Đồng chí Hồ Chí Minh phân tích: ta với tư thế là người làm chủ đất nước và đón tiếp quân Đồng Minh với thái độ người chủ nhân đất nước. Người cũng nêu rõ phải cảnh giác đề phòng bọn thực dân Pháp, có thể nấp sau quân Đồng Minh thâm nhập vào nước ta để hy vọng đặt nhân dân ta dưới ách nô lệ một lần nữa. Song Người căn dặn các địa phương phải có thái độ bình tĩnh để không mắc vào âm mưu khiêu khích của Pháp và bọn phản động.

Với không khí sôi nổi khẩn trương, Quốc dân đại hội đã nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua mười chính sách lớn, trong đó điểm đầu tiên là phải " Giành chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trên nền tảng hoàn toàn độc lập" và lập ra Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch (Phó chủ tịch là đồng chí Trần Huy Liệu). Uỷ ban dân tộc giải phóng cũng như Chính Phủ lâm thời của nước Việt Nam trước khi thành lập một Chính phủ chính thức. Uỷ ban này thay mặt Quốc dân giao thiệp với nước ngoài và chủ trì  mọi công việc trong nước. Đại hội cũng quy định Quốc ca, Quốc kỳ, lấy sao vàng năm cánh trên nền cờ đỏ làm lá cờ chung của cả nước.

Sau khi dâng hương tại khu di tích lịch sử Quốc gia Tân Trào, Đoàn cán bộ Sở Công Thương tổ chức dâng hương tại khu di tích lịch sử Bộ Công Thương và sinh hoạt chuyên đề năm 2021.

Sở Công Thương  dâng hương tại khu di tích lịch sử Bộ Công Thương

Tại Khu di tích lịch sử của Bộ Công Thương, Đảng bộ Sở Công Thương đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề, nội dung về Truyền thống vẻ vang của ngành Công Thương trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tại buổi sinh hoạt, đồng chí Hoàng Anh Cương, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Công Thương đã nêu lại những thành tích to lớn của ngành Công Thương, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, ngành Công Thương đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngành Công Thương cũng có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngày nay, ngành Công Thương có thể tự hào báo cáo với Đảng, với Bác kính yêu: Các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh cho độc lập tự do của dân tộc, đồng thời cũng là lực lượng tiên phong trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Tại chính mảnh đất cội nguồn thiêng liêng này, cán bộ, công chức, viên chức Sở Công Thương Tuyên Quang ngày càng tự hào về sự lớn mạnh của ngành Công Thương, ghi nhớ công ơn của Đảng, của Bác Hồ, ghi nhớ công lao của các thế hệ lãnh đạo, người lao động ngành Công Thương qua các thời kỳ đã không ngừng cống hiến, hy sinh để ngành Công Thương lớn mạnh, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước.

Đây là một hoạt động hết sức ý nghĩa của Sở Công Thương, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nâng cao hơn nữa nhận thức, lòng tự hào dân tộc của cán bộ, công chức, viên chức Sở Công Thương Tuyên Quang, qua đó tạo động lực to lớn trong công việc, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xây dựng ngành Công Thương ngày càng vững mạnh.

Một số hình ảnh tại buổi sinh hoạt chuyên đề của Đảng bộ Sở Công Thương:

Đồng chí Hoàng Anh Cương, TUV, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Công Thương chủ trì sinh hoạt chuyên đề.

Các đồng chí Đảng viên Đảng bộ Sở Công Thương tham dự sinh hoạt chuyên đề năm 2021.

 

Sở Công Thương

Tin cùng chuyên mục