Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 20/4 hàng năm là Ngày Thương hiệu Việt Nam nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu và hình ảnh Việt Nam, đồng thời quy tụ, khơi dậy nỗ lực của các ngành, các cấp và nhiệt huyết của cộng đồng doanh nghiệp trong công cuộc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp nói riêng và Thương hiệu quốc gia Việt Nam nói chung góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ được tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm. Chương trình thể hiện sự bảo trợ của Nhà nước cho các thương hiệu sản phẩm có chất lượng và uy tín kinh doanh, giúp doanh nghiệp Việt Nam tạo chỗ đứng vững vàng trên thị trường trong nước và có điều kiện phát triển thương hiệu ra thế giới.
Hàng năm, Tuần lễ Thương hiệu quốc gia sẽ được triển khai trên cả nước vào tháng 4 với các hoạt động thiết thực như: hội nghị, hội thảo, treo pano, áp phích cổ động, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Với sự quan tâm của các cấp Trung ương và địa phương, đặc biệt với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, ngày càng có nhiều sản phẩm, hàng hóa gắn với thương hiệu Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường.
Sản phẩm giấy và bột giấy của Công ty cổ phần Giấy An Hòa- tỉnh Tuyên Quang được công nhận đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022.
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được tổ chức vào năm chẵn, hai năm tổ chức xét chọn một lần. Năm 2024, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức kỳ xét chọn sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 9 và sẽ tổ chức Lễ công bố dự kiến vào quý IV. Tiêu chí đăng ký xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam:
- Tiêu chí đối với sản phẩm đăng ký xét chọn: Là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam theo quy định của pháp luật; Sản phẩm, hàng hóa được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.
- Tiêu chí đối với doanh nghiệp có sản phẩm đăng ký xét chọn: Là doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam và do tổ chức, cá nhân Việt Nam nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của doanh nghiệp đó. Trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng tiêu chí về vốn nhưng có sản phẩm tham gia xét chọn thể hiện yếu tố đặc sắc Việt Nam, góp phần nâng cao hình ảnh và giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam thì Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam xem xét, quyết định; Là chủ sở hữu văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ của sản phẩm đăng ký xét chọn; Có thời gian hoạt động tối thiểu từ 02 năm liên tiếp trước năm xét chọn; Tuân thủ các quy định của pháp luật về hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh, bảo vệ môi trường, lao động, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ về tài chính, thuế và các nghĩa vụ khác đối với ngân sách nhà nước.
Theo chức năng nhiệm vụ được giao, hàng năm Sở Công Thương Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4 và Tuần lễ Thương hiệu quốc gia trên địa bàn tỉnh với các hoạt động đa dạng, phong phú: Tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng bằng các hình thức đăng tin bài, phóng sự tuyên truyền về Ngày Thương hiệu quốc gia và các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia; Tuyên truyền, quảng bá ngoài trời bằng hình thức treo băng rôn, phướn hưởng ứng tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và một số tuyến đường trung tâm,....Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 02 sản phẩm Giấy và Bột giấy của Công ty CP Giấy An Hoà đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Trong thời gian tới, Sở Công Thương Tuyên Quang sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động, chương trình hỗ trợ và định hướng cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm để tỉnh Tuyên Quang có thêm nhiều các sản phẩm công nghiệp, nông sản, sản phẩm OCOP,… được công nhận là sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam.