Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cùng đại diện Vụ Kế hoạch – Tài chính, Văn phòng Bộ, lãnh đạo Cục và lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số.
Báo cáo tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh nhấn mạnh, về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật thương mại điện tử, Cục xác định công tác phổ biến giáo dục pháp luật và đào tạo thương mại điện tử là khâu đầu tiên và có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình thi hành pháp luật; Tiếp tục chủ động rà soát các website/ứng dụng vi phạm trong thương mại điện tử; Kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật thương mại điện tử đối với các đơn vị theo kế hoạch.
Ngoài ra, Cục đã tập trung đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại các địa phương. Các chương trình kết nối đã hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp Việt tiếp cận phương thức phân phối hiện đại trên thương mại điện tử… nhằm đẩy mạnh tiêu thụ trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn trong nước cũng như hướng tới xuất khẩu qua thương mại điện tử ra thị trường nước ngoài.
Trong thời gian tới, Cục trưởng Lê Hoàng Oanh đề xuất lãnh đạo Bộ quan tâm, chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ đẩy mạnh việc xây dựng và đưa vào sử dụng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ; Lập kế hoạch để tiếp tục giảm thiểu thời gian xử lý hồ sơ đối với dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai, qua đó để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận với các thủ tục hành chính của Bộ.
Lắng nghe báo cáo cũng như các ý kiến đề xuất, kiến nghị của của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị Cục cần lưu ý chức năng nhiệm vụ của mình liên quan đến hoạt động thanh tra chuyên ngành, giám sát, kiểm soát. Đồng thời cần bám sát tinh thần của Chính phủ, Bộ ban ngành trong việc phát triển thương mại điện tử, phát triển đề án số. Bên cạnh đó cũng cần nêu cao trách nhiệm của các đơn vị tư vấn trong việc thực hiện đề án chuyển đổi số mà Cục được giao là chủ đầu tư.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá thương mại điện tử, kinh tế số là lĩnh vực mới, song đây cũng là lĩnh vực phát triển rất nhanh tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Hiện Việt Nam đã trở thành một trong 5 quốc gia đứng đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử. Điều này đòi hỏi nỗ lực rất lớn trong việc quản lý cũng như để phát triển hiệu quả lĩnh vực này trong thời gian tới. Theo đó, Bộ trưởng đặt ra ba nhiệm vụ chung mà Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cần phải thực hiện ngay, đó là: (1) Tiếp tục tổ chức nghiên cứu, quán triệt thật tốt các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thương mại điện tử, kinh tế số. Từ đó tham mưu cho Bộ, Chính phủ rà soát, sửa đổi, ban hành các khung chính sách mới. (2) Triển khai thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số theo tinh thần Quyết định 2642 của Bộ Công Thương, cụ thể hóa Nghị định 96 của Chính phủ. (3) Cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện các chương trình, kế hoạch của Cục để thực hiện bằng được nhiệm vụ trong năm 2023 theo tinh thần Nghị quyết 01 của Chính phủ, tinh thần Nghị quyết và kết luận của Ban Chỉ đạo quốc gia về chuyển đổi số; Đồng thời phải thực hiện được các Nghị quyết của Ban cán sự, các chủ trương, của Lãnh đạo Bộ, các chỉ đạo, kết luận của Lãnh đạo Bộ, của Bộ trưởng trong các kỳ giao ban.
Biểu dương những kết quả Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã đạt được trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Cục tiếp tục phát huy tích cực tinh thần trách nhiệm vốn có để tiếp tục hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ Lãnh đạo Bộ giao. Cục cần cụ thể hoá việc phối hợp với các đơn vị chức năng trong Bộ cũng như địa phương, đưa ra lộ trình thực hiện với từng nhiệm vụ cụ thể, gồm hoàn thiện môi trường pháp lý, xây dựng các chiến lược phát triển thương mại điện tử, kinh tế số ngành công thương, chú trọng phát triển hạ tầng hỗ trợ cho thương mại điện tử, bảo đảm an toàn thông tin và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
Theo Bộ trưởng, hiện nay thương mại điện tử phát triển rất nhanh, vì vậy cũng dễ phát sinh những rủi ro trong quản lý. Chính vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cần nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thương mại điện tử tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh lành mạnh, đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực thi pháp luật và phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm về thương mại điện tử.
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo tại cuộc họp, Cục trưởng Lê Hoàng Oanh cho biết, ngay sau buổi làm việc, Cục sẽ tiếp tục nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện Kế hoạch công tác của đơn vị trong năm nay; đồng thời, sẽ tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm với nỗ lực cao nhất ngay từ những tháng đầu của năm 2023. Cục trưởng cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục được Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn để Cục triển khai hiệu quả và hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao.