Tập trung hoàn thành dự án mới
Theo thống kê của Sở Công Thương, năm 2022 dự kiến có 6 dự án công nghiệp đi vào sản xuất, gồm: Nhà máy sản xuất vải bạt Tarpaulin, Nhà máy gỗ ván ép, đầu tư tại khu công nghiệp Long Bình An; DANM bê tông, sản xuất vật liệu xây dựng Thành Hưng, tại Năng Khả (Na Hang); Nhà máy Gạch tuynel công nghệ cao Tuyên Quang, tại xóm 4, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang); Nhà máy Chế biến gỗ Chiêm Hóa tại cụm công nghiệp An Thịnh (Chiêm Hóa); nhà máy sản xuất kinh doanh các loại bao bì PP Container tại khu công nghiệp Sơn Nam.
Mục tiêu tạo thêm sản phẩm công nghiệp mới, các cấp, ngành, địa phương đã và đang phối hợp với nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành lắp đặt máy móc, đưa nhà máy vào hoạt động sớm nhất có thể. Dự án Nhà máy Gạch tuynel công nghệ cao Tuyên Quang do Công ty cổ phần Lâm sản và Khoáng sản đầu tư tại xóm 4, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) đi vào sản xuất từ tháng 3-2022. Ông Nguyễn Phương Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lâm sản và Khoáng sản cho biết, tổng mức đầu tư nhà máy trên 90 tỷ đồng, công suất 40 triệu viên/năm nhưng có khả năng sản xuất 80 triệu viên/năm. Đơn vị phấn đấu 6 tháng cuối năm sản xuất đạt khoảng 25 triệu viên.
Vận chuyển sản phẩm gạch Tuynel đi tiêu thụ tại Nhà máy Gạch công nghệ cao Tuyên Quang.
Nhà máy chế biến gỗ Tuyên Quang tại cụm công nghiệp An Thịnh (Chiêm Hóa) với mức đầu tư 30 tỷ đồng đã cơ bản hoàn thành. Chủ đầu tư đang hiệu chỉnh chạy thử dây chuyền thiết bị, dự kiến trong quý III này sẽ đưa vào hoạt động chính thức.
Dự án thủy điện sông Lô 7 tại thị xã Yên Phú, Minh Dân (Hàm Yên) có công suất 36 MW, tổng vốn đầu tư 1.490 tỷ đồng, sản lượng điện trung bình hàng năm 163,6 triệu KWh. Thực hiện thi công khẩn trương, đơn vị thi công đã triển khai xây dựng đường vận hành; các khu lán trại phục vụ thi công, điều hành, kho chứa vật liệu nổ công nghiệp, kho xăng, dầu nội bộ; trạm trộn bê tông, trạm nghiền; hệ thống đường dây điện 35 kV phục vụ thi công; hệ thống cấp nước sinh hoạt và sản xuất; hạng mục chính dẫn dòng thi công. Ông Lê Văn Vinh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần thủy điện sông Lô 7 cho biết, về cơ bản, các hạng mục công trình phục vụ thi công đạt từ 30 đến 50% khối lượng tùy hạng mục. Năm 2022 đơn vị phấn đấu hoàn thành phần xây dựng để đến năm 2023 thực hiện lắp đặt máy móc, đầu năm 2024 phát điện như dự kiến.
Tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất
Bên cạnh đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư mới, các doanh nghiệp chú trọng mở rộng sản xuất, đầu tư giai đoạn hai. Tại cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương), các dự án giai đoạn 2 của Công ty TNHH MTV bao bì DHT, Công ty TNHH Giày da Phúc Sinh đang được khẩn trương hoàn thiện, phấn đấu đưa vào sản xuất cuối năm 2022. Ông Lê Jung Chi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giày da Phúc Sinh cho biết, công ty đã thực hiện xây dựng xong nhà xưởng, kho thành phẩm, kho nguyên liệu và đang thực hiện lắp đạt máy móc, thiết bị cho dây chuyền sản xuất giai đoạn 2 với công suất 3,5 triệu sản phẩm/năm, tạo việc làm mới cho 2.600 lao động, phấn đấu đi hoạt động trong quý IV-2022.
Tại cụm công nghiệp An Thịnh (Chiêm Hóa), Nhà máy Ferromangan Chiêm Hóa của Công ty cổ phần Thương mại vận tải Trường Hải Thái Nguyên đang hoạt động hết công suất 12 tấn sản phẩm/ngày, 6 tháng năm 2022 đã sản xuất được trên 6.000 tấn cung cấp cho Tập đoàn Hòa Phát, Hợp kim sắt Thái Nguyên. Hiện đơn vị đang làm thủ tục đầu tư giai đoạn 2. Ông Trần Nam Hải, Giám đốc Nhà máy cho biết, do nhà máy hoạt động hiệu quả nên công ty đã quyết định đầu tư giai đoạn 2 với tổng kinh phí đầu tư 300 tỷ đồng, công suất dự kiến đạt 60.000 sản phẩm/năm. Dự kiến năm 2023, dự án đi vào hoạt động sẽ có 5 lò luyện Ferromangan, sản lượng đạt 75.000 tấn sản phẩm/năm, tổng doanh số đạt 2.500 tỷ đồng, đóng góp khoảng 40% giá trị sản xuất công nghiệp của toàn huyện Chiêm Hóa.
Sản xuất Ferromangan tại Nhà máy Ferromangan Chiêm Hóa tại cụm công nghiệp An Thịnh (Chiêm Hóa).
Đồng chí Vũ Đình Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa cho biết, cụm công nghiệp An Thịnh đã có 8 dự án, trong đó 2 dự án đi vào sản xuất năm 2022 là Nhà máy chế biến gỗ Chiêm Hóa của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang; Nhà máy bê tông và sản xuất vật liệu của Công ty TNHH Thành Hưng. Dự án Nhà máy may LGG của Công ty cổ phần Tổng Công ty May Tuyên Quang LGG đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư. Đây là những dự án công nghiệp trọng điểm của huyện, vì thế huyện tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư thực hiện dự án nhanh nhất. Khi những dự án đi vào hoạt động không chỉ đóng góp giá trị sản xuất công nghiệp cho huyện mà còn giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Hiện nay, huyện tiếp tục kêu gọi nguồn vốn để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp An Thịnh theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt.
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã chấp thuận đầu tư cho 17 dự án công nghiệp đầu tư vào khu, cụm công nghiệp trong tỉnh. Hiện có 40% số dự án đang triển khai đầu tư xây dựng, 60% số dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư. Đồng chí Hoàng Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, bảo đảm kế hoạch sản xuất công nghiệp năm 2022, sở khuyến khích các doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, sản phẩm có giá trị cao tăng công suất, sản lượng tối đa. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp quan tâm đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất để tiết kiệm chi phí, chú trọng phát triển thị trường.
Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan đang tích cực bám sát các nhóm dự án đang triển khai đầu tư, chủ động nắm bắt, đề xuất tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các dự án vào vận hành theo đúng kế hoạch. Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với các tổ chức xúc tiến đầu tư chuyên nghiệp để quảng bá các lợi thế cạnh tranh của tỉnh trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, nhất là về các cơ chế, chính sách ưu đãi của Trung ương và của tỉnh. Đồng thời, bám sát hoạt động của các doanh nghiệp để phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một cách kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất vào lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, lợi thế.