,

Thương mại - Thị trường - Quốc tế

Xuất khẩu hóa chất sang thị trường EU: Kỳ vọng “sáng” hơn nhờ EVFTA 2.

Việt Nam là quốc gia nhập siêu hóa chất và các sản phẩm hóa chất do các mặt hàng này đóng vai trò quan trọng cho hoạt động sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), các chuyên gia đánh giá, lĩnh vực hóa chất sẽ có cơ hội cải thiện kim ngạch xuất khẩu vào EU do tác động từ thuế suất giảm dần về 0%.

Xuất khẩu cải thiện khi EVFTA có hiệu lực

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu đối với các mặt hàng hóa chất (bao gồm hóa chất cơ bản, chất giặt rửa,…) trong năm 2019 của Việt Nam đạt 3,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang EU chỉ chiếm tỷ trọng rất thấp với 1,6%.

Tuy nhiên, kể từ tháng 8/2020, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng hóa chất sang EU đạt gần 4,4 triệu USD, mặc dù tương đương với cùng kỳ 2019 nhưng đã tăng trưởng mạnh 73% so với tháng 7/2020. Tăng trưởng tốt chủ yếu đến từ nhu cầu gia tăng từ hai thị trường Đức và Italia. Như vậy, tính chung 8 tháng 2020, xuất khẩu các mặt hàng hóa chất sang EU đạt 49,7 triệu USD, tỷ trọng của EU trong cơ cấu xuất khẩu cải thiện nhẹ lên 2,43%. Đây được đánh giá là tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực hồi đầu tháng 8 vừa qua.

Những mặt hàng hóa chất mà doanh nghiệp Việt sẽ “hưởng lợi” nhờ EVFTA khi xuất khẩu qua EU được các chuyên gia phân tích của Công ty CP Chứng khoán SSI chỉ ra gồm: Hóa chất cơ bản và chất giặt rửa. Cụ thể, đối với các mặt hàng chất giặt rửa (HS 3402), thuế suất được điều chỉnh từ 4% về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, trong khi đó với mặt hàng phốt pho (HS 2804 7000), thuế suất được điều chỉnh giảm từ 5,5% về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực,….

Dù vậy, Bộ Công Thương cho biết, để được hưởng lợi thế về thuế suất, EVFTA yêu cầu gia công, chế biến sâu (tức là yêu cầu trình độ kỹ thuật cao hơn so với gia công, chế biến đơn giản theo Điều 10, Thông tư 11/2020/TT-BCT).

Đối với nhóm HS 34 (bao gồm chất giặt rửa), trong trường hợp sử dụng cùng nguyên liệu thuộc cùng nhóm, trị giá nguyên liệu được sử dụng không được vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm. Trong khi đó đối với nhóm HS 28 (có bao gồm mặt hàng phốt pho) trị giá nguyên liệu không được vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện tại, các công ty hóa chất xuất khẩu như CTCP Tập đoàn công nghiệp Hóa chất Đức Giang (DGC), CTCP Bột giặt LIX (LIX), CTCP Bột giặt NET (NET)… là doanh nghiệp được nhận định có thể hưởng lợi về xuất khẩu.

Trong đó, DGC là nhà sản xuất Phốt pho vàng, Axit Phosphoric thực phẩm, công nghiệp lớn nhất tại Việt Nam. Ước tính trong 6 tháng 2020, hoạt động xuất khẩu đóng góp 77% cơ cấu doanh thu thuần của doanh nghiệp này. Với riêng thị trường EU, hiện DGC chủ yếu xuất khẩu mặt hàng phốt pho vàng. Theo đó, xuất khẩu sang EU chiếm 20-25% tổng sản lượng xuất khẩu phốt pho vàng của DGC.

“Chúng tôi đánh giá DGC sẽ hưởng lợi khi thuế suất áp dụng tại thị trường EU đối với mặt hàng phốt pho vàng được điều chỉnh từ 5,5% về 0% kể từ tháng 8/2020. Việc tiết giảm về thuế suất sẽ giúp mặt hàng này của DGC sẽ cạnh tranh tốt hơn với các sản phẩm của Kazakhstan (đối thủ cạnh tranh chính) tại thị trường EU. Với hệ thống nhà máy, phân xưởng hiện tại, DGC có thể đáp ứng yêu cầu về gia công, chế biến của EVFTA. Theo dự báo của DGC, sau khi EVFTA có hiệu lực, tỷ trọng xuất khẩu phốt pho vàng sau EU có thể tăng lên 30-40% tổng sản lượng xuất khẩu phốt pho vàng”, - chuyên gia của SSI đánh giá.

Với LIX, ước tính doanh thu xuất khẩu chiếm 15% cơ cấu tổng doanh thu của doanh nghiệp này, tuy nhiên thị trường chính của LIX tập trung tại châu Á (Campuchia, Philippines, Triều Tiên, Mông cổ,..), Trung Đông, châu Phi,.. với mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là chất giặt rửa (bột giặt, nước rửa chén, nước lau sàn,…). Mặc dù LIX chưa xuất khẩu sang thị trường EU song với việc EVFTA có hiệu lực, EU sẽ là thị trường tiềm năng của công ty khi thuế suất đối với các mặt hàng xuất khẩu của LIX sẽ giảm từ 4% về 0% ngay lập tức.

Tương tự như LIX, thị trường xuất khẩu chính của NET là châu Á (Nhật Bản, khối ASEAN), Úc, châu Phi, Trung Đông,… Các mặt hàng xuất khẩu chính của doanh nghiệp là bột giặt và nước rửa chén. Tỷ trọng doanh thu xuất khẩu chiếm 1/3 tổng doanh thu của công ty. Theo công bố thông tin trong báo cáo thường niên của NET, hiện doanh nghiệp chưa phát triển thị trường EU. Khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ là thị trường tiềm năng của LIX khi thuế suất được giảm ngay lập tức về 0% từ mức 4% áp dụng trước đó. Hiện NET đang vận hành 2 nhà máy sản xuất chính tại huyện Long Thành, Đồng Nai và tại Hà Nội, công suất thiết kế là 180 nghìn tấn bột giặt/năm và 100 nghìn tấn chất tẩy rửa lỏng/năm.

Chưa lo cạnh tranh trong nhập khẩu

Ở chiều nhập khẩu, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, ước tính lượng phân bón nhập khẩu từ EU chỉ chiếm 5,5% (về cả khối lượng và giá trị) trong tổng sản lượng phân bón nhập khẩu của Việt Nam, tương ứng 0,22 triệu tấn và 73 triệu USD. Trong đó, Ure và SA chiếm 35,5%, Kali chiếm 17,5%, phân phức hợp 11,4%, NPK chiếm 9,8% và phân hữu cơ chiếm 6,3%.

Trước EVFTA, thuế suất áp dụng cho các sản phẩm phân bón (gồm Ure, DAP, NPK) đều là 6.5% và Kali là 0%. Kể từ ngày EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu của Ure, DAP và NPK sẽ giảm dần trong 4 năm, mỗi năm giảm 1,625% và sau 4 năm sẽ về 0%.

Với thuế suất nhập khẩu giảm, Việt Nam có khả năng tăng nhập khẩu phân bón từ châu Âu. Tuy nhiên, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng: các sản phẩm phân bón nhập từ châu Âu đa phần là phân khúc chất lượng cao mà thị trường nội địa chưa thể sản xuất được, do đó không cạnh tranh trực tiếp với các mặt hàng thuộc phân khúc thấp hơn của các doanh nghiệp nội địa.

Thêm vào đó, việc giảm thuế còn giúp giảm giá thành cho những công ty sản xuất phân bón phức hợp, khi các công ty này nhập ure và DAP với thuế suất thấp hơn để sản xuất ra phân bón phức hợp. Các doanh nghiệp có thể được hưởng lợi chủ yếu là các công ty sản xuất phân NPK.

Mai Ca

https://congthuong.vn

Tin cùng chuyên mục