,

Thương mại - Thị trường - Quốc tế

2018 – năm “đột biến” của Ngành Dệt may Việt Nam

Gọi là “đột biến” bởi kể từ năm 2011 đến nay, đây là năm có tốc độ tăng trưởng cao nhất với gần 17%, kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 5 tỷ USD so với năm 2017.

Tin vui trên được Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường chia sẻ với Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương trong cuộc gặp gỡ mới đây.

Theo ông Lê Tiến Trường, năm 2018 có thể gọi là năm tăng trưởng “đột biến” của ngành dệt may Việt Nam bởi lẽ những năm “hoàng kim” như 2007-2008 mức tăng của ngành này đạt 34% nhưng thực tế về giá trị tuyệt đối cũng chỉ đạt hơn 2 tỷ USD, trong khi những năm gần đây, mức tăng 10% thì trung bình cũng chỉ tăng từ 2,5-3 tỷ USD về kim ngạch. Chính vì vậy 5 tỷ USD tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của năm 2018 được coi là con số đặc biệt, bằng 100% kim ngạch xuất khẩu của 2007. 

Nhìn lại các nước làm Dệt may lớn trên thế giới như: Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Indonesia, Campuchia… không nước nào có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 2 con số trong năm 2018, chủ yếu tăng trưởng dưới 5%, trong đó có hai nước suy giảm là Ấn Độ và Băngladet. 

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam

Phải nhìn nhận rằng, trong năm 2018, lợi thế khách quan về việc giảm thuế từ các Hiệp định thương mại tự do cho Việt Nam là không có, tổng cầu không tăng lên. Trong khi đó khó khăn hiện hữu rõ ở ba khía cạnh:

Thứ nhất, Việt Nam là nước phá giá đồng tiền ít nhất trong số các quốc gia xuất khẩu dệt may, tăng khoảng 3%, trong khi Nhân dân tệ là 9%, Rupial Ấn Độ là 15%. Như vậy, đứng trên mặt tỷ giá, hàng hóa Việt Nam đắt hơn hàng hóa Trung Quốc khoảng 6% và đắt hơn hàng hóa từ Ấn Độ khoảng hơn 12%.

Thứ hai, từ khi bắt đầu có chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, dù đến thời điểm này chưa có sắc thuế nào đánh vào hàng hóa dệt may nhưng nó đã tác động khiến cầu trong quý IV giảm mạnh. Tăng trưởng 3 quý đầu năm tốt hơn quý IV, thậm chí đã có thời điểm dự báo cả năm ngành có thể đạt trên 37 tỷ USD, song do tác động của chiến tranh Mỹ-Trung khiến tốc độ tăng trưởng giảm, rõ rệt nhất là ngành sợi.

Thứ ba, khi lãi suất của các quốc gia lên thì sức cầu có xu hướng giảm. Đơn cử, Mỹ tăng lãi suất đúng 1%. Ngân hàng Trung ương châu Âu và Nhật Bản đều điều chỉnh lãi suất cũng đã ảnh hưởng đến cầu rõ rệt.

Vậy tăng trưởng đến từ đâu?

Theo ông Lê Tiến Trường, năm 2018 xét bình diện thế giới không có nhiều thuận lợi mà chỉ được coi là ổn định. Do vậy, việc dệt may tăng trưởng 2018 “đột biến” do các nhóm nguyên nhân:

Thứ nhất, sự dịch chuyển từ khu vực sản xuất cực lớn của thế giới là Trung Quốc sang Việt Nam. Trung Quốc đang xuất 250 tỷ USD mặt hàng dệt may, cung ứng 53% lượng vải thế giới. Do đó, sự dịch chuyển sản xuất dệt may của Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của ngành DMVN.

Thứ hai, sau một thời gian đặt sản xuất tại các nước khác thì tiêu chuẩn về lao động, môi trường, nhà xưởng... chưa theo kịp như Việt Nam, dù lương thấp nhưng năng suất chỉ bằng ½. Do đó, giá thành trong 1 đơn vị sản phẩm không tiết kiệm trong khi chất lượng có thể có vấn đề. Vì vậy, số lượng khách hàng mong muốn đặt sản xuất tại Việt Nam đã tăng lên và đây là cơ hội cho Việt Nam phát triển tương đối tốt.

Thứ ba, về mặt chủ quan, đến thời điểm này gần 100% các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa trong ngành Dệt May Việt Nam có tất cả chứng chỉ đánh giá của các hãng thế giới về tăng trưởng xanh, tiêu thụ năng lượng xanh, sản xuất xanh... Điều đó cho thấy chuẩn mực của ngành Dệt May Việt Nam tại tất cả các nơi được khách đặt hàng là tương đối tốt.

Hơn nữa, năm 2018 Dệt May Việt Nam đã khắc phục được câu chuyện làm thêm giờ. Xu thế hiện nay, công nhân chỉ làm từ 44-48h, thể hiện sự phát triển bền vững. Chính sự hấp dẫn đó đã khiến lao động tại khu vực trung tâm cũng rất dễ thu hút. Điều đó chứng tỏ ngành dệt may đã và đang xây dựng thành công hình ảnh của mình, dù cạnh tranh lao động vẫn còn gay gắt.

"Xét trên bình diện tổng thể thì hình ảnh lao động của dệt may đã khác, làm cho sức cạnh tranh tổng thể vừa đi theo kịp các tiêu chuẩn mới của thế giới về sản xuất, về môi trường, về quan hệ lao động" ông Trường chia sẻ.

Dẫn chứng thêm về điều này, ông Trường ví dụ, trước đây May Hưng Yên trả lương tương đối cao cho người lao động. Tuy nhiên, bù lại người lao động phải làm thêm giờ. Đến thời điểm này, mặc dù lương trung bình của người lao động tại đây ở mức 9.000.000 đồng/ tháng, nhưng không tăng ngày công, có thêm ngày nghỉ, có phụ cấp. Điều đó đã khiến hình ảnh dệt may được nâng lên rất nhiều.

Đầu tư phát triển ngành theo chiều sâu

Về phía Tập đoàn, năm nay doanh thu của Vinatex  tăng khoảng 11% (trong khi toàn ngành tăng 16%) chủ yếu tăng do nội tại, tăng năng suất, chất lượng và tăng đầu tư chiều sâu, đầu tư thiết bị tự động hóa, … trong khi toàn ngành có sự đóng góp của các dự án mới.

Thay vì đầu tư một nhà máy mới thì các đơn vị thành viên của Tập đoàn, đơn cử như May 10 đầu tư khâu cắt tự động, giúp công nhân đỡ vất vả, đạt được độ chính xác cao hơn, những khâu cực khó đều sử dụng robot hóa, thay thế được 8 công nhân tại cùng 1 công đoạn. Thậm chí những kỹ thuật hóc hiểm của áo veston nam cũng đã được thay thế bằng máy móc tự động.

"Năm 2018 Tập đoàn tập trung vào tái đầu tư nhưng không theo chiều rộng mà nâng cao lên một bước về chất lượng công nghệ, do vậy nhìn về số lượng người lao động thì chỉ bằng 98% năm trước, đây là một đổi mới" ông Trường chia sẻ.

Lý giải thêm, theo ông Trường, nếu xét theo khía cạnh tạo việc làm có vẻ sẽ không ổn nhưng quan điểm của Tập đoàn là nâng cao về chất lượng và tính hấp dẫn của nghề, giúp người công nhân có việc làm ổn định hơn. Nhờ đó, tỷ lệ lợi nhuận của Tập đoàn năm 2018 đã tăng gấp đôi tỷ lệ tăng trưởng kim ngạch.

Luôn phấn đấu là đơn vị top đầu trong danh sách các nhà cung cấp

Năm nay Vinatex xuất khẩu trên 3 tỷ USD và Tập đoàn đang quan tâm đến chất lượng xuất khẩu, phát triển theo hướng bền vững, tập trung vào chất lượng đơn hàng và chất lượng khách hàng.
“Một trong những tiêu chí của chúng tôi bây giờ là Vinatex, doanh nghiệp thuộc Vinatex phải là lựa chọn ưu tiên và phấn đấu là đơn vị số 1 trong danh sách các nhà cung cấp mà khách hàng lựa chọn”. Bởi “khi thị trường có xuống thì khách hàng cũng sẽ không loại bỏ đơn đặt hàng tại mình".

Thứ hai, phải làm các mặt hàng khó nhất về kỹ thuật, mục tiêu là giảm thiểu sự biến động của thị trường vào doanh nghiệp. Thị trường biến động, đơn giá biến động, sức ảnh hưởng đến doanh nghiệp sẽ rất nhỏ bởi mình làm mặt hàng khó, để dịch chuyển sẽ không dễ dàng. Đó là cách mà Vinatex đã làm trong thời gian vừa qua.

"Khác với trước đây, chỉ cần có đơn hàng, mua nguyên liệu, có năng suất và phần còn là chi cho tiền lương. Nhưng giờ quan niệm lao động là một thị trường riêng biệt, lao động là một thứ nguyên liệu phải mua theo giá thị trường, sau đó mới đưa ra bài toán quản trị, năng suất ra sao, chi phí khác thế nào để tạo ra lợi nhuận. Đây là khác biệt quan trọng trong tiếp cận" ông Trường nhấn mạnh.

Kết quả của năm 2018 là một chuỗi các nỗ lực về chiến lược

Trong tổng chi phí dệt may thì 55% là chi phí tiền lương nên quản trị bài toán tiền lương làm sao để tiền lương tăng, tổng quỹ lương không tăng thì mới có lợi nhuận. Kết quả của năm 2018 là một chuỗi các nỗ lực về chiến lược trong suốt thời gian vừa qua:

Thứ nhất, là đầu tư sản xuất tầm quốc tế ở mức cao, công nghệ cao, giữ gìn môi trường xanh.

Thứ hai được khách hàng lựa chọn là ưu tiên trong chuỗi cung ứng của họ, mục tiêu là phải duy trì vị trí top 5 đặt hàng trước.

Thứ ba là quan tâm đến người lao động, đến thu nhập của người lao động nhưng không làm tăng tổng quỹ chi phí lao động trong kết cấu lương. 

Kiên trì với mục tiêu chiến lược là hết sức quan trọng, đó là chất lượng tăng trưởng. “Những mục tiêu như thế này thì thời gian nhìn thấy kết quả phải mất từ 4-5 năm” ông Trường lưu ý.

Vừa phát triển, tăng trưởng, vừa đảm bảo lợi nhuận hiệu quả, đảm bảo bền vững việc làm cho người lao động là một mục tiêu. "Trước đây khi thị trường tương đối dễ thì mục tiêu là tạo thêm việc làm, còn hiện nay, mục tiêu là phải tạo việc làm bền vững và được người lao động trên thị trường chấp nhận. Điều đó cho thấy mục tiêu đã khác hẳn".

"Có được kết quả ngày hôm nay là bước đi chiến lược theo hướng tự động hóa cao, tạo ra môi trường làm việc hợp lý hơn, ít căng thẳng hơn, ít thời gian hơn là hướng đi đúng" ông Lê Tiến Trường khẳng định.

Phấn đấu  kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may trong 2019 đạt 40 tỷ USD

Theo ông Trường, câu chuyện của ngành dệt may trong năm tới sẽ không bừng sáng về cầu. Các dự báo cho thấy kinh tế Mỹ, Nhật, châu Âu tăng trưởng đều thấp hơn so với năm 2018. Dù không tăng lãi suất nhiều nhưng FED dự báo năm 2019 lãi suất sẽ tăng 2 lần. Xu thế thắt chặt dòng tiền tại các quốc gia nhập khẩu vẫn tiếp diễn. 

Thứ hai, liên quan đến chiến tranh Trung - Mỹ. Đến thời điểm này chưa có mặt hàng nào của dệt may bị đánh thuế, tuy vậy dự báo cuộc chiến còn nhiều phức tạp.

Ngoài ra, Trung Quốc xuất khẩu hơn 53% vải thế giới, nếu Trung Quốc tăng thuế mặt hàng vải, thì chắc chắn Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi hiện nay, Việt Nam mua 45% vải từ Trung Quốc.

Trường hợp cực đoan hơn, ông Trường giả định, nếu Trung Quốc không bán vải cho các nước may mặc xuất khẩu, hoặc không xuất vải để cho các nước may hàng cho Mỹ. Điều đó sẽ khiến cho cả thế giới khó khăn trong việc thay thế nguồn cung, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, 90% ngành Dệt May Việt Nam là để xuất khẩu thì ngược lại, Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ chỉ chiếm 40 tỷ USD hàng hóa dệt may. Trong khi nhu cầu nội nhu của họ là 400 tỷ so với 5-6 tỷ nội nhu của Việt Nam. Đối với Việt Nam không tăng trưởng được xuất khẩu dệt may là vấn đề rất nghiêm trọng còn Trung Quốc thì không. 

Dù vậy, ông Trường cũng chia sẻ lợi thế dành cho Việt Nam đến từ CPTPP với hai thị trường xuất khẩu dệt may tiềm năng là 20 tỷ USD của Canada và 40 tỷ USD của Úc. Việt Nam hiện mới chỉ có 4-5% từ các thị trường này. Nếu kịch bản tốt, 6 tháng cuối năm 2019 sẽ có thêm thị trường EU, từ đó có thể tăng thêm khoảng 1 tỷ USD. Chính vì thế đứng trong phương án giữ được các thị trường xuất khẩu chính ổn định, hiệp định EVFTA đi vào hiệu lực, tận dụng tốt CPTPP, ngành Dệt May Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD trong năm 2019. Tất nhiên, đây là mục tiêu cao nhất và để đạt được phải nằm trong kịch bản thuận lợi nhất.

http://www.moit.gov.vn

Tin cùng chuyên mục