,

Thời sự - Chính trị

Sở Công Thương tổ chức tọa đàm kỷ niệm 71 năm Ngày truyền thống ngành Công Thương Việt Nam (14/5/1951 – 14/5/2022)

Ngày 14/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 21/SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương, từ đây, ngành Công Thương Việt Nam bắt đầu mở ra trang sử vẻ vang của mình; khi đó Bộ Công Thương đóng tại thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang

Chiều ngày 11/5/2022, Sở Công Thương tổ chức tọa đảm kỷ niệm 71 năm Ngày truyền thống ngành Công Thương Việt Nam (14/5/1951-14/5/2022). Tới dự có đại diện Lãnh đạo Đảng ủy Khối Các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; Lãnh đạo Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh; Lãnh đạo Hội Doanh nhân trẻ tỉnh và Cục Quản lý thị trường tỉnh Tuyên Quang.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được nghe lại truyền thống vẻ vang 71 năm xây dựng và phát triển của ngành Công Thương Việt Nam nói chung và ngành Công Thương Tuyên Quang nói riêng.

Ngày 14/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 21/SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương, từ đây, ngành Công Thương Việt Nam bắt đầu mở ra trang sử vẻ vang của mình; khi đó Bộ Công Thương đóng tại thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Tại nơi đây, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Bộ Công Thương đã tiếp tục bổ sung, điều chỉnh các chính sách, chủ trương lớn về công thương nghiệp trong giai đoạn mới của công cuộc kháng chiến, thúc đẩy phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; thực hiện chính sách “tự do nội thương, quản lý ngoại thương”; ban hành chính sách và hệ thống pháp luật đấu tranh kinh tế với địch và mậu dịch với vùng bị tạm chiếm; thành lập sở mậu dịch quốc doanh trung ương, xây dựng hệ thống mậu dịch quốc doanh ở các vùng tự do cả nước; đấu tranh bình ổn vật giá, trực tiếp phục vụ các chiến dịch lớn, đặc biệt đã đóng góp quan trọng vào thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, tiến hành ngoại thương, giao lưu kinh tế với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

(Ảnh: Đồng chí Hoàng Anh Cương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương phát biểu ôn lại truyền thống vẻ vang của ngành Công Thương)

Trong những năm qua, ngành Công Thương đã phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao về phát triển công nghiệp, thương mại, trong đó “Phát triển công nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, điện tử, may mặc” là một trong các nhiệm vụ trọng tâm được đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

(Ảnh: Đồng chí Phạm Hoa Kiều, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp – Kỹ thuật an toàn, Sở Công Thương phát biểu tham luận tại buổi tọa đàm)

Giá trị sản xuất công nghiệp từng bước được cải thiện, giai đoạn 2005 - 2010 tăng bình quân 15,3%; giai đoạn 2010 - 2015 là 17,9%, giai đoạn 2015 - 2020 là 16,3%; sản phẩm khá đa dạng, phong phú; công nghệ, năng lực sản xuất công nghiệp được nâng lên tạo ra nhiều sản phẩm có khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cao. Đến nay, Tuyên Quang có 02 khu công nghiệp với tổng diện tích 320 ha, có 05 cụm công nghiệp với tổng diện tích 300,3 ha, góp phần thu hút đầu tư, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và đô thị hóa tỉnh. Hệ thống đường dây tải điện, trạm biến áp được cải thiện, nâng cao chất lượng cung cấp điện phục vụ sản xuất, tiêu dùng; 99,2% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia.

(Ảnh: Đồng chí Nguyễn Thị Kim Cúc, Phó Trưởng phòng Quản lý Thương mại – Xuất nhập khẩu phát biểu tham luận tại buổi tọa đàm)

Dịch vụ, thương mại từng bước hình thành các kênh lưu thông các mặt hàng thiết yếu với sự tham gia của các thành phần kinh tế đã thúc đẩy sản xuất phát triển, gắn sản xuất với tiêu thụ, gắn thị trường trong nước với thị trường quốc tế. Giai đoạn 2006 - 2010 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 22,8%; giai đoạn 2010 - 2015 tăng bình quân 21,2%; Giai đoạn 2015 - 2020 tăng bình quân 12,3%. Kết cấu hạ tầng thương mại được tập trung đầu tư, thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn tỉnh. Thị trường xuất khẩu không ngừng được mở rộng, góp phần tăng trưởng ổn định kim ngạch xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 175,3 triệu USD tăng trên 35 lần so với năm 2008.

(Ảnh: Đồng chí Phạm Thu Trang, Chánh Văn phòng Sở Công Thương phát biểu tham luận tại buổi tọa đàm)

Hàng năm, trên cơ sở Quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch về sản xuất công nghiệp của UBND tỉnh, Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch chi tiết theo tháng, quý đối với từng sản phẩm chính để làm cơ sở kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế hoạch năm, đồng thời có các giải pháp điều hành kịp thời, hiệu quả nhằm hoàn thành chỉ tiêu được giao. Thường xuyên nắm tình hình sản xuất công nghiệp để có những giải pháp tham mưu, điều hành kịp thời nhằm đảm bảo sản xuất công nghiệp ổn định. Tổ chức đoàn công tác kiểm tra trực tiếp tình hình triển khai một số dự án và tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trọng điểm thuộc ngành, đặc biệt là tiến độ thực hiện của các dự án thuộc nhiệm vụ đột phá nhiệm kỳ 2021 - 2025: Dây chuyền (2) sản xuất giấy và bột giấy; dự án đầu tư mở rộng và nâng công suất Nhà máy Gang thép Tuyên Quang.

Đây là những yếu tố quan trọng góp phần hoàn thành các chỉ tiêu chính về phát triển kinh tế - xã hội của Tuyên Quang, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng từng bước tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông lâm nghiệp, đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực.

Đồng thời, các chỉ tiêu về sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của tỉnh tăng khá trong những năm qua đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của ngành Công Thương cả nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trên đà hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và trên thế giới, ngành Công Thương cả nước nói chung và ngành Công Thương Tuyên Quang đang đứng trước không ít cơ hội và thách thức.

Những thuận lợi cơ bản của Ngành là luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Bộ Công Thương, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp của các cấp, các ngành trong việc triển khai và trực tiếp thực hiện phát triển công nghiệp - nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây tỉnh Tuyên Quang đã có những bước phát triển tương đối rõ nét, cơ sở hạ tầng được đầu tư, có các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp; nội bộ ngành Công Thương luôn có sự đoàn kết, nhất trí, nghiêm túc triển khai thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển Công nghiệp - Thương mại trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới. Các doanh nghiệp và người lao động trong ngành luôn có tinh thần trách nhiệm cao, hăng say lao động vì sự phát triển của doanh nghiệp, của ngành Công Thương Tuyên Quang trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị - xã hội một số nước trong khu vực và trên thế giới diễn biến phức tạp; trong nước thiên tai, dịch bệnh diễn ra đã tác động nặng nề đến nền kinh tế nước ta và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thị trường tiêu thụ một số sản phẩm công nghiệp khó khăn, giá một số mặt hàng phục vụ sản xuất và tiêu dùng diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và tiêu thụ của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trên địa bàn, đời sống, việc làm của người lao động trong ngành đã và đang gặp nhiều khó khăn, thách thức mới, đòi hỏi mỗi chúng ta cần có tư duy mới, luôn luôn đổi mới, sáng tạo và nỗ lực để vượt qua.

(Ảnh: Ông Nguyễn Hữu Thập, Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp Hội doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang)

(Ảnh: Ông Hoàng Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ)

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Lãnh đạo Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh và Lãnh đạo Hội Doanh nhân trẻ đã chúc mừng ngành Công Thương đã có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, đồng thời có sự giúp đỡ, hỗ trợ và cùng cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để ổn định sản xuất, phát triển kinh doanh.

(Ảnh: Lãnh đạo Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh tặng hoa chúc mừng)

(Ảnh: Lãnh đạo Hội Doanh nhân trẻ tặng hoa chúc mừng)

Hiện nay, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đang tích cực phấn đấu triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ 17 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 5 năm (2021-2026), trong đó “Phát triển công nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, điện tử, may mặc” là một trong các nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội đã đề ra, phấn đấu đến năm 2025 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 27.735 tỷ đồng; Giá trị xuất khẩu đạt 220 triệu USD. Cơ cấu kinh tế của tỉnh được xác định: Các ngành dịch vụ 44,5%; công nghiệp - xây dựng 34,1%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 21,4%.

(Ảnh: Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh phát biểu)

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh chúc mừng ngành Công Thương và ghi nhận những thành quả mà Đảng bộ Sở Công Thương đã đạt được, trong thời gian tới Đảng bộ cần tiếp tục sát sao hơn nữa công tác xây dựng Đảng, lãnh đạo cơ quan hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn nữa để đưa ngành Công Thương phát triển mạnh mẽ, bền vững.

 

Trong thời gian tới, nhiệm vụ rất quan trọng của ngành Công Thương là tăng cường công tác quản lý, điều hành hoạt động của ngành năng động hơn, hiệu quả hơn; kêu gọi được sự ủng hộ của các bộ, ngành và thực hiện tốt công tác tham mưu cho việc chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân tỉnh trong lĩnh vực Công Thương; mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương Tuyên Quang phải luôn nêu cao tinh thần quyết tâm, chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại, nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả các giải pháp chủ yếu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2026), đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành nói riêng và thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 đã đề ra.

71 năm qua, cùng với sự thăng trầm của nền kinh tế đất nước, ngành Công Thương Tuyên Quang đã trải qua vô vàn khó khăn, thách thức từ thời kỳ bao cấp, đến đổi mới, và thời kỳ hội nhập quốc tế. Để đến hôm nay, Công Thương Tuyên Quang không những hoà cùng được nhịp với cả nước mà còn đang chủ động đi tắt đón đầu, tận dụng thời cơ hướng đến phát triển bền vững.

Tiếp tục phát huy 71 năm lịch sử vẻ vang của ngành Công Thương, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương Tuyên Quang sẽ tiếp tục phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra trong thời gian tới, đáp ứng sự mong mỏi, niềm tin yêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang.

Sở Công Thương Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục