,

Thời sự - Chính trị

Khởi động các dự án công nghiệp mới

Ngay sau Tết cổ truyền, các nhà đầu tư đã khởi động ngay các dự án công nghiệp trọng điểm và đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các dự án vào sản xuất. Các dự án này là kỳ vọng để đạt được giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt trên 18.400 tỷ đồng năm 2022, tăng 16% so với năm 2021, bảo đảm tăng giá trị sản xuất công nghiệp của cả nhiệm kỳ.

Trên địa bàn tỉnh đang triển khai một số dự án trọng điểm như Dự án Nhà máy thủy điện sông Lô 7; Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty TNHH Giày da Phúc Sinh, cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương); Dự án sản xuất bao bì DHT giai đoạn 2; Dự án giày da xuất khẩu của Công ty TNHH Phúc Sinh giai đoạn 2…

Dự án thủy điện sông Lô 7 tại thị xã Yên Phú, Minh Dân (Hàm Yên) có công suất 36 MW, tổng vốn đầu tư 1.490 tỷ đồng; sản lượng điện trung bình hàng năm 163,6 triệu KWh. Thực hiện thi công khẩn trương, đơn vị đã hoàn thành đường, vận hành; các khu lán trại phục vụ thi công, điều hành, kho chứa vật liệu nổ công nghiệp, kho xăng, dầu nội bộ; trạm trộn bê tông, trạm nghiền; hệ thống đường dây điện 35 kV phục vụ thi công; hệ thống cấp nước sinh hoạt và sản xuất; hạng mục chính dẫn dòng thi công.

Ông Lê Văn Vinh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện sông Lô 7 cho biết: Ngày 4-2, đơn vị đã khởi động công việc, hiện đang dồn lực thực hiện các hạng mục chính như kênh dẫn nước đạt khoảng 50%; đào móng Nhà máy - Cửa lấy nước đạt khoảng 98%; đào móng kênh xả đạt khoảng 90%; đập tràn đạt khoảng 30%. Năm 2022 sẽ là năm trọng tâm hoàn thành phần xây dựng để đến năm 2023 thực hiện lắp đặt máy móc để đầu năm 2024 phát điện như dự kiến.

Dự án Thủy điện Sông lô 7 (Hàm Yên) đang được đẩy mạnh thi công.

Tại cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương) các dự án giai đoạn 2 của Công ty TNHH MTV bao bì DHT, Công ty TNHH Giày da Phúc Sinh đã khởi động, phấn đấu đưa vào sản xuất cuối năm 2022. Ông Lê Jung Chi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giày da Phúc Sinh cho biết: Năm 2021, công ty đã vượt khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp giành thắng lợi trong sản xuất với 150 triệu sản phẩm xuất khẩu, doanh thu đạt 300 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 1.600 lao động. Bước vào năm 2022, công ty chủ động về nguồn lực, lao động và hợp đồng xuất khẩu ngay trong quý để đáp ứng tốt hơn các đơn hàng. Hiện đơn vị đang dồn lực thi công nhà xưởng, kho thành phẩm, kho nguyên liệu… chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để lắp đặt máy móc, mở rộng sản xuất giai đoạn 2 với công suất 3,5 triệu sản phẩm/năm tạo việc làm mới cho 2.600 lao động, phấn đấu chính thức hoạt động trong quý II-2022.

Khu xưởng sản xuất ván ép xuất khẩu của Công ty TNHH Long Thắng, cụm công nghiệp Thiện Kế - Ninh Lai đang được mở rộng gấp 3 và nâng công suất. Ông Lê Văn Quyền, Giám đốc Công ty TNHH Long Thắng cho biết: Tín hiệu vui đối với doanh nghiệp là ký được đơn hàng xuất khẩu đến 2025 nên doanh nghiệp đã mở rộng sản xuất, đảm bảo đơn hàng xuất khẩu và tạo việc làm cho người lao động. Nhà xưởng sản xuất gỗ ván ép phủ phim rộng 4.000 m2 được đầu tư trên 30 tỷ đồng, với dây chuyền sản xuất công suất khoảng 50 m3/ngày. Toàn bộ hệ thống máy móc công nghệ ép ván tiên tiến nhất hiện nay. Ván ép coppha phủ phim được tạo nên từ các lớp gỗ lạng mỏng liên kết với nhau bằng keo chuyên dụng chịu nước 100% WBP  Phenolic  theo phương pháp ép nóng ở nhiệt độ 125oC  đến 140oC. Bề mặt ván được phủ lớp phim Stora enso 2 mặt. 

Sản phẩm ván được dùng chủ yếu trong xây dựng, khả năng chịu nước và độ bền cao, có thể tái sử dụng được nhiều lần. Sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang các nước châu Âu.

Theo ông Hoàng Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công thương, để bảo đảm kế hoạch sản xuất công nghiệp, Sở đang khuyến khích các doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ khá ổn định tăng công suất, sản lượng tối đa; đồng thời, quan tâm đến đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất và khâu phân phối, phát triển thị trường. Hiện, Sở đang phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực bám sát các nhóm dự án đang triển khai đầu tư, chủ động nắm bắt, đề xuất tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các dự án vào vận hành theo đúng kế hoạch.

Sở Công thương chủ động phối hợp các chủ đầu tư đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án thủy điện: Thủy điện Sông Lô 8B; Thủy điện Sông Lô 7; đôn đốc chủ đầu tư Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Tuyên Quang có phương án đẩy nhanh tiến độ mời chuyên gia tư vấn xây dựng dự án; chủ đầu tư Dự án dây chuyền 2 Công ty CP Giấy An Hòa khẩn trương hoàn thành quy hoạch và các bước chuẩn bị đầu tư, sớm nhập khẩu và lắp đặt dây chuyền sản xuất. Đồng thời Sở phối hợp với các cơ quan được UBND tỉnh giao chủ trì để tham mưu xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ, đặc biệt là các dự án đã được UBND tỉnh giãn tiến độ hoặc được cơ quan tham mưu đang đề xuất cho giãn tiến độ là: Nhà máy Thủy điện Yên Sơn; Nhà máy Thủy điện Hùng Lợi 1, 2; Nhà máy sản xuất phân bón NPK tại Khu công nghiệp Sơn Nam. Sở kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, tạo điều kiện để các dự án công nghiệp sớm hoàn thành đầu tư đưa vào sản xuất.

Cùng với đó, Sở tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung quy hoạch Dự án Thủy điện Nậm Vàng 1, cho chủ trương nghiên cứu khảo sát Dự án Thủy điện Sông Lô 9A, 9B. Phê duyệt phương án cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ đập Thủy điện Sông Lô 8A, 8B; thẩm định hồ sơ và cấp 2 giấy phép hoạt động điện lực. Đồng thời, chủ động phối hợp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút mọi nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tiếp tục tham mưu cho tỉnh thành lập các cụm công nghiệp đã có trong quy hoạch, mời gọi doanh nghiệp đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Với sự chủ động của các nhà đầu tư và các giải pháp tháo gỡ khó khăn của tỉnh, các dự án công nghiệp mới, các dự án mở rộng sản xuất công nghiệp giai đoạn 2 sẽ nhanh chóng hoàn thành đưa vào sản xuất, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp, bổ sung nguồn thu ngân sách, tạo việc làm cho người lao động.

https://baotuyenquang.com.vn/

Tin cùng chuyên mục