,

Năng lượng - Môi trường

Nghị định 114 về sử dụng vốn ODA: Chìa khóa mở cho dự án điện Ô Môn 3

- Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 114/2021/NĐ-CP, ngày 16/12/2021, về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (thay thế Nghị định 56). Theo đánh giá của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để phê duyệt đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 3, chìa khóa để chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn tháo gỡ nút nghẽn để có thể sớm khởi công nguồn điện khí quan trọng này.

Theo Nghị định 114:

- Vốn ODA không hoàn lại được ưu tiên sử dụng để thực hiện chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.

- Tăng cường năng lực.

- Hỗ trợ xây dựng chính sách, thể chế và cải cách.

- Phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, cứu trợ thảm họa, phòng chống dịch bệnh.

- Thích ứng với biến đối khí hậu.

- Tăng trưởng xanh.

- Đổi mới sáng tạo.

- An sinh xã hội.

- Chuẩn bị các dự án đầu tư, hoặc đồng tài trợ cho dự án sử dụng vốn vay ưu đãi nhằm làm tăng thành tố ưu đãi của khoản vay.

- Vốn vay ODA sẽ được ưu tiên sử dụng cho các chương trình, dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, thích ứng với biến đối khí hậu, bảo vệ môi trường, hạ tầng kinh tế thiết yếu không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp.

- Vốn vay ưu đãi được ưu tiên sử dụng cho chương trình, dự án vay về để cho vay lại theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước trong lĩnh vực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, các trường hợp ưu tiên khác thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo từng thời kỳ.

Trong Nghị định cũng nêu rõ nội dung quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi gồm:

- Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện đề án thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho từng thời kỳ để hỗ trợ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.

- Các giải pháp, chính sách quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn này.

- Theo dõi, cung cấp thông tin về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

- Giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra tình hình, kết quả quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Về nguyên tắc cơ bản trong quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn vay ODA được sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên; không sử dụng vốn vay nước ngoài cho các hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực trừ trường hợp phục vụ chuyển giao công nghệ, kỹ năng vận hành trang thiết bị, máy móc.

Chính phủ đã thống nhất quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi trên cơ sở bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ; thực hiện phân cấp gắn với trách nhiệm, quyền hạn, năng lực của bộ, cơ quan trung ương, địa phương; bảo đảm sự phối hợp quản lý, giám sát và đánh giá của các cơ quan có liên quan theo quy định hiện hành của pháp luật.

Cùng với đó, phải bảo đảm công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình về chính sách, trình tự, thủ tục vận động, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi giữa các ngành, lĩnh vực và giữa các địa phương, tình hình thực hiện và kết quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Công bố thông tin về chính sách hợp tác, lĩnh vực ưu tiên của các nhà tài trợ nước ngoài trên Hệ thống Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ (chinhphu.vn; mpi.gov.vn; mof.gov.vn; mofa.gov.vn).

Đồng thời, phòng chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, ngăn ngừa và xử lý các hành vi này theo quy định của pháp luật.

Nghị định 114 cũng nêu rõ nguyên tắc áp dụng cơ chế tài chính trong nước đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Cụ thể, đối với chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương: Cấp phát toàn bộ vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài từ ngân sách Trung ương.

Đối với chương trình, dự án đầu tư thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương sử dụng vốn vay ODA: Vay lại một phần, hoặc toàn bộ vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay ODA.

Đối với chương trình, dự án có khả năng thu hồi vốn toàn bộ hoặc một phần: Cho vay lại toàn bộ hoặc một phần vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài từ ngân sách Trung ương theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

Đối với vốn ODA không hoàn lại, bao gồm cả vốn ODA không hoàn lại gắn với khoản vay, vốn ODA không hoàn lại cho dự án đầu tư, dự án hỗ trợ kỹ thuật (độc lập, chuẩn bị, hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư), phi dự án: Áp dụng cơ chế cấp phát toàn bộ.

Nghị định đã quy định rõ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia và chương trình đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi thực hiện theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 17 của Luật Đầu tư công.

Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sau đây:

Thứ nhất: Chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi, trừ chương trình, dự án quy định tại Khoản 1 của Nghị định.

Thứ hai: Chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA không hoàn lại trong các trường hợp sau: Chương trình, dự án nhóm A và nhóm B; chương trình, dự án kèm theo khung chính sách; chương trình, dự án trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tôn giáo; chương trình tiếp cận theo ngành; mua sắm các loại hàng hóa thuộc diện phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Thứ ba: Dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuấn bị dự án đầu tư.

Theo đó, người đứng đầu cơ quan chủ quản quyết định chủ trương đầu tư đối với chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA không hoàn lại nhóm C.

Liên quan đến dự án điện Ô Môn 3 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là chủ đầu tư sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản, các thủ tục trình, thẩm định phê duyệt chủ truơng đầu tư đã bị tắc nghẽn, ngừng trệ 4 năm nay (tính từ khi HĐTV EVN trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để xin phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cấp quản lý nhà nước không xác định được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, không xác định được quy trình thẩm định). Đến nay, Nghị dịnh 114/2021/NĐ-CP đã quy định tại chương VI (doanh nghiệp nhà nước...), trong đó tại Điều 53 về chấp thuận chủ trương đầu tư được xác định:

1/ Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 30, 31,32 của Luật Đầu tư.

2/ Hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện theo quy định tại điều 33, 34, 35 và 36 của Luật Đầu tư.

Như vậy, EVN và các bộ, ngành đã có cơ sở pháp lý của quy định pháp luật để trình, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư. Tháo gỡ ách tắc 4 năm nay cho thủ tục này./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

https://nangluongvietnam.vn/

Tin cùng chuyên mục