,

Năng lượng - Môi trường

“Đòn bẩy” giúp phát triển công nghệ xanh trong năng lượng tái tạo

Việc phát triển các nguồn năng lượng khác bên cạnh các nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng trở nên quan trọng trong cơ cấu nguồn năng lượng Việt Nam.

Lắp đặt trụ điện gió Dự án điện gió Đông Hải 1 - Trà Vinh. (Ảnh: Phúc Sơn/TTXVN)

Phát triển năng lượng là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa-hiện đại hóa.

Những năm qua, ngành năng lượng đã phát triển mạnh mẽ trong tất cả các khâu thăm dò, khai thác, sản xuất, truyền tải, phân phối và sử dụng. Mặc dù vậy, với nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày một gia tăng với tốc độ trung bình tăng 10,5%/năm,

Việt Nam phải nhập khẩu từ 1-2% tổng công suất của toàn hệ thống điện. Dự báo trong tương lai, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn năng lượng.

Vì vậy, việc phát triển các nguồn năng lượng khác bên cạnh các nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng trở nên quan trọng trong cơ cấu nguồn năng lượng Việt Nam, đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo sẽ góp phần giải quyết “bài toán” thiếu hụt năng lượng, đa dạng hóa các nguồn năng lượng, phân tán rủi ro, tăng cường và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần quan trọng giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Thời gian gần đây, nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về ứng dụng, tiếp nhận chuyển giao và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng với mục tiêu đảm bảo vững chắc anh ninh năng lượng trong bối cảnh mới đã được ban hành nhằm thúc đẩy đầu tư công nghệ xanh, công nghệ năng lượng tái tạo.

Hành lang pháp lý đã “mở”

Vấn đề năng lượng là vấn đề sống còn của mỗi quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, phát triển mạnh mẽ, vấn đề sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên năng lượng rất quan trọng, đặt ra vấn đề cần đẩy mạnh công nghệ mới, công nghệ xanh trong phát triển năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo nhằm giảm mức đầu tư, đồng thời tăng hiệu quả sử dụng năng lượng.

Tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2021 mới diễn ra, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết: Hành lang pháp lý để thúc đẩy đầu tư công nghệ xanh, phát triển công nghệ năng lượng tái tạo tương đối đầy đủ. Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược, nghị quyết và cơ chế chính sách khuyến khích sự phát triển của năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Tính đến hết tháng 9/2021 năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, không kể thủy điện) đã đạt 22,68 tỷ KWh, chiếm đến 11,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng các chương trình khoa học và công nghệ phù hợp với giai đoạn 2021-2030, đó là các chương trình khoa học và công nghệ về năng lượng, chương trình khoa học và công nghệ về cơ khí tự động hóa, chương trình nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm tại doanh nghiệp, các chương trình đổi mới công nghiệp quốc gia, các chương trình để Việt Nam thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Cùng với đó là những chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, chương trình về phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

Đặc biệt trong dự thảo Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2030, sắp tới sẽ trình Chính phủ, Thủ tướng phê duyệt, việc tái cơ cấu các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia được Bộ chú trọng đến các chương trình khoa học và công nghệ để phát triển công nghệ năng lượng tái tạo, công nghệ xanh, dành nguồn lực xứng đáng, tập hợp được đội ngũ nhà khoa học và có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, một biện pháp quan trọng để phát triển năng lượng tái tạo là ứng dụng khoa học và công nghệ nên Bộ rất quan tâm đến đầu tư cho công nghệ xanh, công nghệ năng lượng tái tạo.

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết: Quy hoạch Điện VIII đã chú trọng nguồn năng lượng tái tạo trong tương lai như điện gió, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời…

Với các chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo hiện nay, dự kiến tổng công suất điện sạch gồm điện khí, năng lượng tái tạo sẽ chiếm tỷ trọng khoảng 75% điện hệ thống, đóng góp sản lượng khoảng 70% trong tổng sản lượng điện...

Việt Nam đang ở trong giai đoạn đầu của chuyển dịch năng lượng từ hóa thạch sang “điện sạch”, rõ ràng bên cạnh các chính sách khuyến khích, công nghệ năng lượng cũng là định hướng phát triển trong tương lai.

Khuyến khích phát triển

Các báo cáo, nghiên cứu đánh giá tiềm năng về năng lượng tái tạo tại Việt Nam cho thấy tiềm năng điện gió trên bờ là 217 GW, điện gió ngoài khơi khoảng 160 GW, điện mặt trời khoảng là 386 GW công suất khả thi có hiệu quả cao, điện sinh khối khoảng 5 GW, nguồn rác thải khoảng 1,5 GW, nguồn địa nhiệt 460 MW.

“Don bay” giup phat trien cong nghe xanh trong nang luong tai tao hinh anh 2

Một hệ thống điện mặt trời áp mái được xây dựng trên trang trại làm nông nghiệp ở huyện Gio Linh, Quảng Trị. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Nhận định Việt Nam đang ở trong giai đoạn nhu cầu năng lượng tăng mạnh theo tốc độ phát triển của kinh tế, ông Ben Backwell, Giám đốc điều hành Ủy ban Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) cho biết Chính phủ Việt Nam đã nhận ra các thách thức và thể hiện vai trò lãnh đạo đúng đắn trong việc áp dụng chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng nâng cao tỉ trọng năng lượng tái tạo như một phương thức để xây dựng một hệ thống năng lượng linh hoạt, đáng tin cậy với mức chi phí hợp lý cho quốc gia.

Điều này được thể hiện tại Hội nghị COP26 năm 2021 ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh khi Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, theo đó, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ.

Theo ông Ben Backwell, năng lượng gió hiện đã vượt mốc 4 GW lắp đặt tại Việt Nam, nó không còn là nguồn năng lượng tái tạo bên lề, đòi hỏi công nghệ đột phá làm tăng mức giá cạnh tranh và một cách tiếp cận có trách nhiệm để kiểm soát các tác động của năng lượng gió.

Trong tương lai, năng lượng gió sẽ đóng vai trò quan trọng để Việt Nam hiện thực hóa yêu cầu “xóa bỏ dần than.”

Hiện Việt Nam đang đặt ra mục tiêu dài hạn trong phát triển năng lượng tái tạo, phù hợp với chiến lược năng lượng quốc gia, đồng thời đóng góp chung vào nỗ lực giảm thiểu khí hậu toàn cầu.

Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu, các chuyên gia cho rằng cần xác định và cung cấp mức tài trợ công phù hợp cho nghiên cứu và phát triển tương ứng với mục tiêu giảm chi phí và tiềm năng của công nghệ và mục tiêu giảm thiểu CO2; tăng cường hợp tác nghiên cứu phát triển quốc tế để tận dụng tốt nhất các năng lực quốc gia.”

Năng lượng tái tạo và công nghệ xanh là những chiến lược cần thiết để Việt Nam thực hiện chuyển đổi phù hợp với các mục tiêu khí hậu mà Việt Nam đã cam kết./.

https://moit.gov.vn

Tin cùng chuyên mục