,

Năng lượng - Môi trường

Các đơn vị thuộc EVN đã thực hiện nghiêm túc về ghi chỉ số, giá bán điện

Ghi nhận thực tế tại các buổi làm việc giữa đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Công Thương với các Tổng công ty/công ty điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và doanh nghiệp cho thấy, các đơn vị đã nghiêm túc thực hiện quy định tại Quyết định 648/QĐ-BCT ngày 20/03/2019 về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện.

Đoàn công tác của Bộ Công Thương làm việc tại PC Vĩnh Phúc

Trong hai ngày từ 8-10/5/2019, ba đoàn công tác liên ngành được thành lập theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương đã thực hiện đồng loạt ở 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Theo đó, đoàn công tác đã làm việc, nghe báo cáo của 5 Tổng công ty Điện lực, 5 công ty điện lực trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); làm việc và tìm hiểu công tác thực hiện Quyết định 846/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện tại hơn 10 doanh nghiệp là khách hàng sử dụng điện lớn (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đà Nẵng...).

Tại các đơn vị kiểm tra, trưởng các đoàn công tác đã nêu rõ lý do, nội dung kiểm tra theo quy định. Sau khi nghe báo cáo sơ bộ, đoàn công tác đã kiểm tra thực tế việc niêm yết giá; kiểm tra hồ sơ, tài liệu ghi chỉ số, hóa đơn điện của khách hàng ngẫu nhiên; so sánh cách tính áp giá điện bằng tay với công cụ tính toán tự động trên website và một số nội dung liên quan.

Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương làm việc với Tổng công ty Điện lực Tp. Hồ Chí Minh

Giải thích về nguyên nhân hóa đơn tiền điện tăng cao, các đơn vị điện lực đều cho biết, do tác động của thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu tiêu thụ điện của khách hàng tăng cao, đặc biệt là khách hàng sinh hoạt; ảnh hưởng của Quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân 8,36% cộng thêm thời gian ghi chỉ số trong tháng 4 dài hơn 3 ngày nên hóa đơn tiền điện tăng.

Cụ thể, tại miền Bắc, theo báo cáo của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), điện thương phẩm tháng 4/2019 của toàn công ty đạt 5.738,4 Tr.kWh, tăng 11,54% so với cùng kỳ năm 2018. Sản lượng điện tiêu thụ trong tháng 4 tăng mạnh, từ mức 188 triệu kWh/ngày của tháng 3 tăng lên 202 triệu kWh/ngày trong tháng 4. Trong đó thành phần quản lý tiêu dùng (QLTD) tháng 4/2019 tăng trưởng 13,01% so với cùng kỳ, đây là mức tăng cao nhất từ đầu năm và cao gần gấp đôi mức tăng của thành phần QLTD trong Quý 1/2019 (7,13%).

Tại thành phố Hồ Chí Minh, thời tiết nắng nóng trên 37 độ C đã khiến nhu cầu phụ tải tăng đột biến. Sản lượng điện tháng 4/2019 đạt 2.345 triệu kWh, tăng gần 8% so với cùng kỳ và tăng 21,22% so với tháng liền kề (tháng 3/2019). Riêng sản lượng điện dùng cho sinh hoạt tháng 4/2019 là 947,85 triệu kWh, tăng 30,80% so với tháng 3/2019.

Tương tự tại Hà Nội, số liệu theo dõi của Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI) cho thấy sản lượng điện đầu nguồn trung bình ngày tháng 3 là 47.726.586 kWh/ngày và trung bình ngày tháng 4 lên đến 54,696,300 kWh/ngày, ảnh hưởng bình quân 14.6%.

Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết, so với tháng 3 thì tháng 4-2019 có hơn 41% khách hàng tăng sản lượng điện, mức tăng tiền điện trung bình gần 59%. Trong đó, mức tăng sản lượng và tiền điện nhiều nhất rơi vào khoảng từ 20% đến dưới 50%. Trong toàn hệ thống EVNCPC, sản lượng điện thương phẩm tháng 4 so với tháng 3 tăng hơn 12%.

Kiểm tra việc niêm yết giá điện tại Vĩnh Phúc

Sau khi có Quyết định 648/QĐ-BCT ngày 20/03/2019 về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện, các Tổng Công ty điện lực thuộc EVN đã tổ chức tập huấn và hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ công nhân viên về các văn bản liên quan đến giá điện, cách tính toán hoá đơn tiền điện trong kỳ thay đổi giá; công cụ tính toán hoá đơn tiền điện trực tuyến.

Các đơn vị đã thực hiện niêm yết công khai nội dung của Quyết định, các Thông tư hướng dẫn, biểu giá điện bán lẻ bình quân tại các phòng giao dịch khách hàng, trang Web Chăm sóc khách hàng, ứng dụng chăm sóc khách hàng, trang website cả Tổng công ty. Đồng thời chuẩn bị cơ sở hạ tầng, nhân lực và các điều kiện cần thiết cho việc triển khai Quyết định.

Các Tổng công ty đã đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; gửi thông báo cho khách hàng bằng nhiều hình thức như nhắn SMS, thư điện tử, Zalo..., đặc biệt là thông báo về công cụ tính toán hóa đơn tiền điện tự động theo phương pháp nội suy.

Trong ngày tăng giá, các đơn vị đã hoàn thành 100% việc chốt chỉ số công tơ đối với khách hàng ngoài sinh hoạt. Với đối tượng khách hàng sinh hoạt vẫn chốt chỉ số theo quy định tại Điều 17, Nghị định 137/NĐ-CP của Chính phủ.

Về công tác tiếp nhận xử lý thông tin của khách hàng cũng được các Trung tâm chăm sóc khách hàng các đơn vị nghiêm túc thực hiện. Báo cáo của EVN HANOI, trong tháng 3/2019, trung tâm chăm sóc khách hàng tiếp nhận 60.776 cuộc gọi, trong đó 379 cuộc gọi liên quan đến hóa đơn tiền điện; Tháng 4 có tổng số 67.840 cuộc gọi, trong đó 702 cuộc gọi liên quan đến hóa đơn tiền điện.

Còn tại khu vực miền Bắc do EVNNPC quản lý, kể từ thời điểm đổi giá 20/3/2019 đến ngày 4/5/2019 toàn Tổng công ty tiếp nhận 16.894 yêu cầu trong đó tra cứu giá điện mới là 4.248 yêu cầu; Yêu cầu tra cứu chỉ số, hóa đơn là 7.532 yêu cầu; Kiến nghị về chỉ số, hoá đơn tiền điện là 5.114 yêu cầu.

Tại Tp. Hồ Chí Minh, từ ngày 20/3/2019 đến ngày 06/5/2019, Trung tâm chăm sóc khách hàng đã tiếp nhận được 17.278 yêu cầu qua điện thoại liên quan đến tra cứu giá điện, chỉ số điện kế và kiểm tra thiết bị đo đếm chiếm 6,28 % trên tổng số 275.053 yêu cầu đã được Trung tâm tiếp nhận trong giai đoạn này.

Tất cả các phản ánh, kiến nghị của khách hàng liên quan đến chỉ số, giá bán điện, hóa đơn tiền điện được tiếp nhận đầy đủ, liên hệ và giải đáp kịp thời, thấu đáo cho khách hàng sử dụng điện trong vòng 24h.

Đối với thông tin phản ánh trên báo chí và mạng xã hội có địa chỉ rõ ràng, các Tổng công ty/công ty điện lực đã trực tiếp liên hệ, giải đáp thấu đáo và không còn thắc mắc. Trên cơ sở dữ liệu theo dõi, các đơn vị điện lực cũng chủ động kiểm tra, phúc tra đối với các trường hợp có sản lượng điện sử dụng tăng từ 1,5 lần trở lên.

Đại diện công ty Giầy Phúc Yên chia sẻ với đoàn kiểm tra Bộ Công Thương

Bên cạnh việc kiểm tra tại các Tổng công ty/công ty điện lực, Đoàn công tác cũng đã làm việc tại doanh nghiệp để lắng nghe về công tác thực hiện quyết định của Bộ Công Thương của ngành điện; những ảnh hưởng của việc tăng giá điện đối với doanh nghiệp. Đoàn kiểm tra cũng lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp về chính sách giá điện; cung cấp thông tin, giải thích thêm về quy định của Nhà nước liên quan đến giá điện. Đồng thời bày tỏ mong muốn doanh nghiệp tiếp tục tăng cường các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả.

Ghi nhận thực tế 6 doanh nghiệp được đoàn công tác đến làm việc tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, đại diện các đơn vị đều có chung nhận xét, ngành điện đã thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước và hợp đồng mua bán điện, đặc biệt đã thông tin, phổ biến công khai Quyết định điều chỉnh tăng giá, thực hiện ghi chốt chỉ số, xuất hóa đơn chính xác.

Khi được hỏi về tác động của việc tăng giá điện đến chi phí sản xuất, các doanh nghiệp đều cho rằng có ảnh hưởng nhưng không tác động nhiều vì điện chỉ là một phần trong chi phí nguyên, nhiên liệu đầu vào của quá trình sản xuất. Các công ty đều đã có phương án đối phó khắc phục. Trong đó có việc tăng cường các giải pháp tiết kiệm điện.

Đình Dũng - Congthuong.vn

Tin cùng chuyên mục