,

Công nghiệp - Khuyến công

Phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp

Tỉnh ta hiện có 5 cụm công nghiệp, bao gồm Cụm công nghiệp Khuôn Phươn (Na Hang), Cụm công nghiệp An Thịnh (Chiêm Hóa), Cụm công nghiệp Tân Thành (Hàm Yên), Cụm công nghiệp Thắng Quân (Yên Sơn), Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương). Tỉnh và các huyện, thành phố đã quan tâm phát triển hạ tầng tại các cụm công nghiệp, bảo đảm thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Để tăng tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp thì việc đầu tư hạ tầng giao thông, mặt bằng, hệ thống thoát nước, điện có vai trò quan trọng để thu hút và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai các dự án. Hiện nay, nhiều cụm công nghiệp đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng, thu hút được nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư làm ăn, đóng góp tích cực vào việc gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, thu ngân sách địa phương và tạo việc làm cho người lao động.

Ông Phạm Văn Lương, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương cho biết, Cụm công nghiệp Phúc Ứng được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 28/QĐ-UBND, ngày 18-1-2019 với tổng diện tích là 75 ha. Trong đó, diện tích xây dựng các nhà máy sản xuất công nghiệp là 48,5 ha, còn lại là diện tích hành lang giao thông và hạ tầng kỹ thuật. Hơn 1 năm qua, huyện đã tích cực phát triển hạ tầng cụm công nghiệp, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm các dự án triển khai hiệu quả nhất.

UBND huyện Sơn Dương đã chủ động bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại cụm công nghiệp giai đoạn 1 từ nguồn thu tiền sử dụng đất với tổng kinh phí 16,45 tỷ đồng, bao gồm xây dựng hệ thống đường giao thông nội bộ, xây dựng cầu, nắn chỉnh tuyến suối thoát nước; di chuyển hệ thống đường dây điện 35 KWh. Dự kiến thực hiện đầu tư hạ tầng giai đoạn 2 xây dựng đường giao thông nội bộ đấu nối từ đoạn tuyến đã làm đến Quốc lộ 2C và nắn chỉnh tuyến suối với kinh phí khoảng 12,5 tỷ đồng. Nhờ làm tốt công tác giải phóng mặt bằng và phát triển hạ tầng nên đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư tại Cụm công nghiêp Phúc Ứng.

Hiện nay đã có 9 dự án được xây dựng và được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích là 32,6 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 67,2%. Trong đó, có 4 dự án vốn đầu tư trong nước; 2 dự án liên doanh với nước ngoài gồm Nhà máy Giày da Phúc Sinh, Nhà máy Bao bì PP container của Công ty TNHH Woojin Vina Korea tổng mức đầu tư 126 tỷ đồng; 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài là Nhà máy Bạt nhựa PE của Công ty TNHH Hitarp Việt Nam, Nhà máy Sản xuất tai nghe Future Of Sound Vina của Tập đoàn FOS Hồng Kông, Nhà máy Giày Kiến Xương, tổng mức đầu tư 478 tỷ đồng. Hiện tại, cụm công nghiệp có 3 dự án đã đi vào hoạt động; 4 dự án đang đầu tư xây dựng, dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay, 2 dự án đang chờ chấp thuận chủ trương đầu tư. Các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động tạo việc làm cho trên 1.500 lao động. Dự kiến các nhà máy đi vào hoạt động trong năm 2020 sẽ tạo việc làm ổn định cho trên 7.000 lao động với mức thu nhập từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng, tạo ra nguồn thu cho xã hội khoảng 600 tỷ đồng/năm, giá trị sản xuất công nghiệp tăng thêm khoảng 1.800 tỷ đồng.

Cũng như huyện Sơn Dương, các huyện Hàm Yên, Na Hang, Chiêm Hóa và Yên Sơn đang tích cực hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp đầu tư dự án. Cụm công nghiệp Khuôn Phươn (Na Hang) đã được đầu tư xây dựng kênh thoát nước chung, kè chống xói lở, đường giao thông với tổng vốn đầu tư 25 tỷ đồng, đạt khoảng 54% khối lượng công việc. Ông Tô Viết Hiệp, Chủ tịch UBND huyện khẳng định, việc phát triển hạ tầng là một trong những biện pháp để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp. Huyện tiếp tục tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn hoàn thiện hạ tầng cụm công nghiệp trong thời gian tới để thu hút doanh nghiệp triển khai dự án. Hiện đã có một số doanh nghiệp mong muốn đầu tư tại cụm công nghiệp, đây là tín hiệu vui với công nghiệp Na Hang.

Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng tại cụm công nghiệp để giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Cụm công nghiệp Thắng Quân (Yên Sơn) do Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang làm chủ đầu đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật. Công ty đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng đường giao thông trục chính, tổng vốn đầu tư 52,5 tỷ đồng. Công ty đã đưa 4 nhà máy vào hoạt động, tạo việc làm cho trên 2.000 lao động địa phương. Bà Đỗ Thị Bạch Tuyết, Tổng Giám đốc Công ty nhấn mạnh, việc triển khai dự án tại tỉnh có nhiều thuận lợi nhờ sự vào cuộc giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương nên việc giải phóng mặt bằng không có vướng mắc. Trong thời gian tới, công ty tiếp tục xây dựng thêm các nhà máy tại cụm công nghiệp trên quy mô 30 ha, góp phần tạo việc làm cho lao động, tăng thu ngân sách và giá trị sản xuất công nghiệp cho địa phương.

Có thể nói, phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp là tiền đề để thu hút các doanh nghiệp đầu tư các dự án, đưa các nhà máy vào hoạt động, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh, nâng cao đời sống nhân dân. Ông Ma Văn Phấn, Giám đốc Sở Công thương nhấn mạnh, trong thời gian tới, sở phối hợp với các huyện, thành phố triển khai các biện pháp thu hút nguồn vốn để hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp, nhất là hệ thống xử lý môi trường, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động địa phương.                            

Tin cùng chuyên mục